Ngoài quy trình nuôi, trồng khép kín với kỹ thuật hiện đại, các thực phẩm bổ sung thảo dược và các vi chất khác như Omega – 3, sắt, kẽm, selen… được cho là rất có lợi cho sức khỏe nên càng thu hút khách hàng.
Thực phẩm thảo mộc hút hàng
Anh Nguyễn Duy Thiên Ân giới thiệu sản phẩm trứng gà Omega-3 trong một lần gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: T.H
Nhu cầu gà thảo mộc còn rất lớn nên nuôi gà thảo mộc không lo thiếu nơi tiêu thụ, chỉ sợ người nuôi nản lòng rồi bỏ cuộc sớm. Vì nuôi gà thảo mộc không lãi nhiều, nhưng sẽ lãi bền”. Bà Cao Thị Ten |
Ở Đồng Nai, nhiều người đều biết bà Cao Thị Ten (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) là nông dân tiên phong trong việc nuôi gà bằng thảo mộc, cũng là người tìm được lối đi riêng cho nghề nuôi gà của gia đình vốn đã hơn 20 năm gắn bó.
Trò chuyện với phóng viên, bà Ten cho biết, để cho ra sản phẩm gà thảo mộc, trong 2 tuần đầu mua gà giống về, bà tiêm kháng sinh, vaccine phòng bệnh cho gà con đầy đủ. Sau đó, trước khi xuất bán khoảng 60 ngày, gà bắt đầu được cho ăn thức ăn trộn thảo dược. Nguồn thảo mộc này nhập từ nước ngoài, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, sức khỏe vật nuôi cũng như an toàn cho người tiêu dùng.
“Nhờ có chất thảo dược nên gà có sức đề kháng tốt, rất ít bị các bệnh về tiêu hóa và giai đoạn này phải “ép” cân để gà đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 - 1,7kg chứ không được lớn hơn nhằm tạo chất lượng thịt đảm bảo độ bổ dưỡng, dai, chắc, ngọt thơm và ít mỡ” - bà Ten nói.
Hiện tại, trang trại gà thảo mộc của bà được Công ty TNHH San Hà (TP.HCM) bao tiêu sản phẩm. Với quy mô đàn 40.000 – 50.000 con/lứa, mỗi tháng, bà cung cấp cho thị trường hơn 9.000 con gà thịt. Bà còn liên kết với nhiều hộ chăn nuôi trong vùng thành lập HTX Chăn nuôi gà thảo mộc Phú Lộc nhằm mở rộng nguồn cung cho thị trường.
Cùng với gà thảo mộc, sản phẩm trứng gà Omega-3 những năm gần đây cũng thu hút người tiêu dùng. Loại trứng này đầu tiên được anh Nguyễn Duy Thiên Ân (ngụ Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) sản xuất thành công. Đến nay, trứng gà Omega - 3 được rất nhiều doanh nghiệp khác đầu tư sản xuất.
Hiện nay, không chỉ cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, trứng gà Omega-3 của anh Ân đã xuất khẩu sang nhiều nước khác, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có chứa hàm lượng DHA, ALA, EPA cao gấp 3 lần trứng gà bình thường và nhiều loại acid amin, vitamin (A, D, E...) thiết yếu cho cơ thể. Do đó, dù giá bán cao hơn so với trứng gà thông thường, dòng sản phẩm này vẫn hút khách, đặt biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Phát triển thị trường “ngách”
Không chỉ các sản phẩm chăn nuôi có bổ sung thảo mộc, vi chất, gần đây, một số doanh nghiệp cũng đã tung ra thị trường các sản phẩm từ trồng trọt được bổ sung thảo dược.
Ông Phạm Thanh Luyện – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Việt (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, dù mới ra mắt thị trường hơn 1 tháng nay, nhưng sản phẩm gạo thảo dược của doanh nghiệp này được khá nhiều người tiêu dùng quan tâm. Là sản phẩm được sản xuất theo quy trình của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Sở NNPTNT Đồng Nai nên ông Luyện rất tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Hiện gạo thảo dược có giá 30.000 – 35.000 đồng/kg.
“Ngoài nguồn cung cấp tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, chúng tôi đang phối hợp Hội Nông dân các tỉnh ĐBSCL mở rộng diện tích gieo trồng, đồng thời tìm thêm đối tác để mở rộng phân phối tại TP.HCM” - ông Luyện hào hứng chia sẻ.
Còn bà Cao Thị Ten cũng đang tìm thêm đất để mở rộng trang trại, đồng thời sẽ chuyển từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập sang sử dụng nguồn thảo mộc tại chỗ. “Các loại thảo mộc trong nước có rất nhiều, đáp ứng được đến 80% nhu cầu thảo mộc để chăn nuôi, ngoài ra dùng thảo mộc ở trong nước mình có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào nên an tâm hơn” - bà Ten chia sẻ.
Theo bà Ten, nhu cầu thị trường gà thảo mộc hiện ở mức 30.000 con/tháng, trong khi số lượng cung cấp được chỉ hơn 9.000 con. Chăn nuôi gà thảo mộc vừa khó, vừa không lãi nhiều như nuôi gà thông thường, nhưng với niềm tin về việc phát triển bền vững và tạo được thị trường riêng, bà Ten vẫn kỳ công theo đuổi.