Dân Việt

Chẳng lẽ Vinaconex không đủ năng lực làm đường ống nước?

Thanh Xuân 09/08/2016 17:11 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc hủy thầu với nhà thầu Xingxing có thể coi là mở đầu cho đợt xem xét lại một cách nghiêm túc và toàn diện của dự án này cũng như các dự án hiện nay.

HĐQT Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã thông qua Nghị quyết về việc hủy thầu và không ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu với nhà thầu Xingxing (Trung Quốc). Việc có hủy được Nhà thầu này hay không hiện còn phải chờ Bộ Xây dựng xin ý kiến Thủ  tướng Chính phủ nhưng rõ ràng trong dự án xây dựng đường ống nước sông Đà có tới hàng chục lần bị vỡ trong suốt thời gian qua đã làm cho nhiều người thất vọng vì chưa tìm được nguyên nhân khắc phục.

img

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc hủy thầu với nhà thầu Xingxing có thể coi là mở đầu cho đợt xem xét lại một cách nghiêm túc và toàn diện của dự án này cũng như các dự án hiện nay. “Mặc dù chưa thấy Vinaconex công bố những thông tin gì liên quan tới nhà thầu này về chất lượng nhưng tôi nghĩ chắc chắn họ đã kiểm tra bằng công nghệ và có đánh giá về chất lượng rồi.

Trong trường hợp nếu không có vấn đề về chất lượng thì không thể hủy gói thầu được, có thể đơn vị Vinaconex không công bố đầy đủ thông tin về lĩnh vực này mà thôi?” ông Phong phân tích. Ông Phong cũng cho rằng, về kinh tế không thể cứ ưu tiên khi đấu thầu cho các đơn vị cung cấp sản phẩm rẻ với chất lượng tồi được, vì như thế sẽ là tự mình hại mình trước.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính) cho rằng, về mặt nguyên tắc, một trong hai bên ký kết hợp đồng đều có thể yêu cầu bên đối tác chứng minh năng lực cũng như vấn đề liên quan đến chất lượng của sản phẩm hàng hóa. Từ đó, có thể đưa ra quyết định hủy hay không hủy hợp đồng đã ký kết.

Trong trường hợp này, được biết, hợp đồng giữa Vinaconex với nhà thầu Trung Quốc mới chỉ là hợp đồng định hướng, hợp đồng khung mang tính nguyên tắc của kinh doanh quốc tế. Do chưa phải là hợp đồng chi tiết nên khi hủy hợp đồng không cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, để hủy được, Vinaconex phải chứng minh được hiện tại không cần đến sản phẩm, dịch vụ đó nữa; hoặc dự án hiện đã có sự thay đổi về mặt chất lượng cũng như về thiết kế của sản phẩm hàng hóa được đối tác cung cấp. Ngoài ra, còn có thể đưa ra lý do bất khả kháng khác dẫn tới phải hủy hợp đồng.

“ Nhưng nếu trong hợp đồng có điều khoản cụ thể thì có thể phải đền bù cho đối tác”, ông Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng phê duyệt kết quả trúng thầu với nhà thầu Trung Quốc nên cần phải xem xét lại toàn bộ công trình này chứ không phải chỉ riêng việc hủy gói thầu với nhà thầu Xingxing, (Trung Quốc), cung cấp gói thầu ống gang dẻo và phụ kiện cho dự án nước sạch Sông Đà 2.

“Rất tiếc, các đề xuất của các chuyên gia Liên Xô trước đây giờ lại được nhắc lại là: Tại sao không làm ống nổi mà lại làm ống ngầm, vừa phức tạp, tốn kém nhất là khi phải khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra. Việc xây dựng khi vỡ ống là hàng chục nghìn người mất nước. Tại sao không làm 2 ống và làm ống nổi để khi có sự cố sẽ có phương án phụ”, ông Thịnh nói.

Liên quan tới các gói thầu tại dự án đường ống nước sông Đà, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) cũng cho rằng, “chắc chắn là có vấn đề về chất lượng, vì đã làm mấy chục lần rồi vẫn cứ hỏng. Ở đây có cả về chất lượng đường ống, nhưng có cả thi công, quản lý của Vinaconex. Do đó, bản thân Vinaconex cũng cần phải tự rút kinh nghiệm”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Bích Hồ, trường hợp nếu hợp đồng vẫn có giá trị mà chưa có lý do gì bác bỏ thì vẫn phải thực hiện theo cam kết. “Ở đây tất cả những vẫn đề của dự án này chẳng liên quan tới chính trị mà chỉ là vấn đề quản lý kinh tế. Cá nhân tôi với tư cách là công dân Hà Nội, tôi cảm thấy rất buồn vì cứ làm xong là lại hỏng. Vinaconex chẳng nhẽ lại không đủ năng lực để làm một công trình như thế. Tôi không nghĩ trình độ của Vinaconex không làm được, vấn đề là phải xem lại xem trong quá trình quản lý của Vinaconex để từ đó rút ra những kinh nghiệm”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. Do đó, theo TS Hồ, Thủ tướng chắc chắn sẽ tham mưu cơ quan chức năng để xử lý việc này.