Đâm trước ngực để trả thù đâm sau lưng
Cách đây không lâu lắm, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga làm phi công Nga thiệt mạng hồi tháng 11.2015, Tổng thống Nga Putin đã gọi đó là "cú đâm từ sau lưng của kẻ đồng lõa khủng bố", thề sẽ bắt Thổ Nhĩ Kỳ "chịu hậu quả nghiêm trọng".
Putin không đùa. Không những cắt đứt quan hệ thương mại 2 bên (bao gồm cả cấm nhập nông sản, thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ), ông cũng làm điêu đứng ngành du lịch đối thủ bằng cách cấm hết các chuyến bay thuê bao chở thẳng hàng triệu người Nga đến các khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không còn visa vào Nga miễn phí cho người Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất về nước.
Đòn thù còn trùm lên cả cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Giới chức quốc phòng Nga tổ chức họp báo để công bố các hình ảnh, đoạn clip chụp qua vệ tinh, do máy bay do thám thu thập được ghi cảnh chuyên chở dầu mỏ mà Nga diễn giải là từ Iraq và Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là dầu từ các vùng lãnh thổ do tổ chức khủng bố IS kiểm soát và Nga tố cáo rằng chính dòng họ nhà Erdogan nhúng tay vào đường dây này, mua dầu giá rẻ từ bọn khủng bố để thu lợi cá nhân.
Quyền lực của ông Edorgan đã tăng mạnh sau cuộc đảo chính hụt . REUTERS
Kẻ xiểng liểng, bên mệt nhừ
Về mặt chính trị, Nga cũng là đồng minh thân cận nhất của kẻ thù không đội trời chung với Thổ Nhĩ Kỳ: Syria. Nga đã đưa quân sang Syria lật ngược thế cờ, giúp giữ vững chính quyền mà Mỹ cùng với liên minh (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ) tưởng chừng đã lật đổ được tới nơi. Bàn đạp quan trọng cho liên minh đó có thể dội bom xuống Syria chính là các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Không những thế, giữa giai đoạn căng thẳng nhất của vụ đối đầu bắn rơi chiến đấu cơ, Nga còn hỗ trợ một tổ chức người Kurd tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo là khủng bố. AFP cho rằng Nga thậm chí có thể đã trang bị vũ khí cho tổ chức này chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan bác bỏ tất cả những cáo buộc kể trên và tỏ ra cực kỳ "cứng", tuyên bố máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ nên quân đội nước này có quyền bắn, không có chuyện xin lỗi ở đây.
Suốt những tháng qua, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cứ căng như sợi dây đàn. Nhưng rõ ràng là với sự phụ thuộc kinh tế rất lớn vào Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang mệt lử. Và ở giữa thế trả đũa qua lại, Nga cũng chỉ chịu thiệt hại.
Chuyện lạ
Cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội lớn cho Nga. REUTERS
Bỗng dưng có một chuyện lạ lùng xảy ra. Tổng thống Erdogan bỗng viết thư cho gia đình phi công Nga thiệt mạng để "lấy làm tiếc" vì những gì đã xảy ra. Chỉ trong vòng vài ngày, bộ trưởng Ngoại giao 2 nước đã tay bắt mặt mừng tại khu nghỉ dưỡng xinh đẹp Sochi của Nga trên bờ Biển Đen. Cũng rất nhanh chóng, ông Putin quẳng ngay cái lệnh cấm vận kinh tế làm xiểng liểng đối thủ nhưng cũng khiến Nga mệt lử. Tổng thống Nga tuyên bố bắt đầu giai đoạn bình thường hóa quan hệ thương mại hai bên.
Hẳn ông Erdogan sẽ không rủi ro viết thư "lấy làm tiếc" nếu Nga không bật đèn xanh trước. Putin đã nhìn thấy vết nứt trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh phương Tây đang toạc ra mà quyết định nhanh chóng "bật đèn".
Rồi một cơ hội tuyệt nữa bỗng dưng xuất hiện và như thường lệ, ông Putin lập tức chớp ngay lấy: cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính nhà lãnh đạo mới đây thề trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ tới nơi tới chốn là một trong những chính khách nước ngoài đầu tiên gọi điện thoại cho ông Erdogan để bày tỏ sự ủng hộ ngay sau đảo chính. Trong khi đó, sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây tỏ ra rất yếu ớt và chậm chạp, sự chỉ trích thế lực đảo chính cũng quá nhẹ. Mỹ và các nước châu Âu còn lên án gay gắt ông Erdogan giữa làn sóng bắt bớ, thanh trừng kinh hoàng thời hậu đảo chính. Nga không có tiếng lên án nào. Liên minh châu Âu những ngày qua còn dọa tới dọa lui là không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh nước này đang có khuynh hướng khôi phục án tử hình.
TIN LIÊN QUANĐảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Người dân ra đường bảo vệ chính phủ
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Tayyip Erdogan, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã ra đường phản đối cuộc đảo chính để bảo vệ chính phủ.
Một cách "rất ngẫu nhiên", Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho "thế giới" biết người bắn rơi máy bay Nga dạo nào đang ở trong nhà giam vì có liên quan đến cuộc đảo chính hụt.
Lợi nhất vẫn là Putin!
Cuộc đảo chính là cơ hội vàng để Tổng thống Putin thay đổi hoàn toàn mối quan hệ thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ông Erdogan bay sang thành phố St. Petersburg của Nga để gặp "bạn của tôi" Putin trong ngày hôm nay 9.8 mà đưa quan hệ 2 nước "sang một trang mới".
Tổng thống Nga Vladimir Putin REUTERS
Với Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng quan hệ với Nga là cách nước này chứng tỏ có thêm một lựa chọn chiến lược khác. Dẫu tuyên bố không có chuyện quay lưng với các đồng minh phương Tây, ông Erdogan hẳn là lường trước được ít nhiều hậu quả khi ôm hôn Putin - cái gai to tướng trong mắt các lãnh đạo phương Tây.
Cuối cùng, lợi nhất vẫn cứ là ông Putin bởi chẳng ai không muốn chia rẽ, gây suy yếu đối thủ: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO - một thành viên gia nhập từ rất sớm.