Dân Việt

Cục CSHS lên tiếng về tin “16 vụ bắt cóc, mổ nội tạng”

Xuân Lực 11/08/2016 13:48 GMT+7
Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự khẳng định, tại Việt Nam chưa xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em, phụ nữ để mổ lấy nội tạng.

img

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định, tại Việt Nam chưa phát hiện vụ án bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng.

Vừa qua, Công an huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) ra thông báo tới công an địa phương và các trường học trên địa bàn cảnh báo về tình trạng một số đối tượng đi ô tô bắt cóc người dân rồi mang đi mổ lấy nội tạng. Thông báo này, nêu sự việc xảy ra ở địa bàn tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Hà Giang đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời khẳng định, Hà Giang không có tình trạng bắt cóc người để mổ lấy nội tạng.

Lãnh đạo Công an Lào Cai sau đó cho biết, công an tỉnh không có thông báo nào về tình trạng bắt cóc mổ lấy nội tạng ở Hà Giang và sẽ xử lý đơn vị ra thông báo thiếu chính xác.

Liên quan đến vụ việc trên, PV đã trao đổi với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45 - Bộ Công an) để tìm hiểu về công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động tội phạm bắt cóc mổ lấy nội tạng.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định, tại Việt Nam không có vụ án bắt cóc để mổ lấy nội tạng.

“Cục Cảnh sát Hình sự khẳng định, từ trước tới nay, Cục chưa nhận được bất cứ báo cáo nào từ các địa phương nói rằng có tình trạng bắt cóc phụ nữ, trẻ em lấy nội tạng như công văn của Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Thông tin trên là không đúng sự thật, đó là câu chuyện tưởng tượng. Bộ Công an đang cho kiểm tra, xử lý”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cũng cho biết, thời gian vừa qua xuất hiện nhiều thông tin, tại một số địa phương xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an cho thấy, phần lớn các vụ việc đều không chính xác.

“Nhiều vụ không phải bắt cóc mà do các cháu tự bỏ đi, tự đi chơi, trốn đi xin việc… rồi tự động quay về. Có một số vụ bắt cóc nhưng lại do mối quan hệ gia đình, vợ chồng tranh giành nuôi con hoặc do nợ nần mà bắt người để gây áp lực”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết thêm, trước đây tại khu vực biên giới phía Bắc xảy ra một số vụ buôn bán người, tuy nhiên bản chất không phải bắt cóc mà là dụ dỗ.

“Các đối đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một số đồng bào dân tộc để dụ dỗ, lừa qua biên giới bán chứ không phải bắt cóc. Nhiều người đã có chồng nhưng các đối tượng vẫn dụ dỗ qua biên giới rồi ép làm vợ người ta”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, hiện C45 vẫn đang phối hợp với công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân nâng cao cảnh giác với loại tội phạm mua bán người, đồng thời triển khai nhiều kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, đẩy lùi loại tội này.