Đáng chú ý, tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1.218 tỷ đồng nhưng chỉ có 44 tỷ đến từ kinh doanh mủ cao su.
Bất ngờ doanh thu bán gỗ
Trong năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến sẽ thanh lý khoảng 30 nghìn ha cao su già cỗi, đã hết thời gian khai thác mủ; lượng gỗ khai thác dự kiến cũng lên tới 8-9 triệu m3. Đây cũng là mảng mang lại doanh thu lớn cho DN này với tổng giá trị lên tới 2.418 tỷ đồng. Một số nhóm ngành khác cũng mang lại doanh thu khá khả quan cho tập đoàn gồm: ngành công nghiệp cao su là 806,7 tỷ đồng; đầu tư khu công nghiệp là 870,7 tỷ đồng; khai thác thuỷ điện đạt 153,9 tỷ đồng; ngành khác đạt 225 tỷ đồng; tài chính, liên doanh, liên kết... ước đạt: 851 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến thời điểm 30.6.2016, Tập đoàn đã tiêu thụ được 110.315 tấn cao su các loại. Với giá bình quân là 28,3 triệu đồng/tấn, lợi nhuận trên mỗi tấn cao su ước đạt 500 nghìn đồng/tấn mang lại doanh thu cao su ước đạt 3.117 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cân đối các chi phí thì lợi nhuận của ngnh khai thác mủ cao su ước đạt 43,9 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính tổng thể lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2016 của tập đoàn này với mức 1.218 tỷ đồng thì lợi nhuận của việc khai thác mủ chỉ được chưa tới 44 tỷ đồng (chiếm khoảng 4% tổng lợi nhuận). Nguyên nhân là do giá cao su giảm tới 4,4 triệu đồng /tấn so với các năm trước.
Không chỉ có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, một số DN ngành cao su cũng có doanh thu khá lớn từ bán gỗ như Cao su Đồng Phú (Bình Phước), Cao su Phước Hòa (Bình Dương), Cao su Tây Ninh...
Chẳng hạn, tại Công ty Cao su Đồng Phú, đơn vị này đã hoàn tất thanh lý khoảng 460ha cao su để thu về khoảng gần 60 tỷ đồng lợi nhuận trên kế hoạch 70-90 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tương tự, Công ty Cao su Phước Hòa cũng dự kiến thanh lý 1.000 ha cao su trong năm 2016 với giá bán khoảng 150 triệu đồng/ha. Công ty Cao su Tây Ninh cũng lên kế hoạch thanh lý 314ha cao su, thu về khoảng 50 tỷ đồng lợi nhuận trên tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến 37 tỷ đồng.
“Tiềm năng” cổ phiếu cao su?
Trong bối cảnh giá cao su giảm, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 phần lớn đến từ bán gỗ nhưng theo nhiều nhà đầu tư chứng khoán thì cổ phiếu cao su hiện đang được kỳ vòng rất nhiều. Theo ghi nhận, có 4 mã cổ phiếu cao su thiên nhiên đang niêm yết trên sàn gồm có DPR (cao su Đồng Phú), TRC (cao su Tây Ninh), PHR (cao su Phước Hòa) và VHG (cao su Quảng Nam).
Với DPR, đây là chứng khoán cao su được kỳ vọng nhất với khả năng đầu tư trong dài hạn rất cao. Cụ thể, với giá bán cao su bình quân thế giới vào khoảng 1,575 USD/tấn và diện tích thanh lý vườn cây là 460ha với giá khoảng 150 triệu đồng/ha, dự đoán doanh thu của DPR vào khoảng 829,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 131 tỷ đồng. Sau khi trừ đi quỹ khen thưởng phúc lợi, EPS của DPR có thể vào khoảng 2.286 đồng/CP.
Ngoài ra, DPR còn đang phát triển vườn cây ở Campuchia với tổng diện tích 6.300 ha, dự kiến đưa vào khai thác năm 2017 nên đây sẽ là mã cổ phiếu đầy tiềm năng cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, PHR cũng là chứng khoán đáng lưu ý khi DN này có lợi nhuận đáng kể từ việc thanh lý vườn cây già, ở mức trung bình 90 tỷ/năm và dự kiến sẽ duy trì đến 2018. Ngoài ra, từ năm 2016, dự án trồng cao su ở Campuchia của PHR sẽ bắt đầu được khai thác sẽ cải thiện năng suất và sản lượng của doanh nghiệp.
VHG lại là đơn vị đang hoạt động trong nhiều mảng kinh doanh gồm cao su, phân bón…Ngoài ra, VHG sẽ tăng diện tích trồng cao su lên 22.034 ha vào năm nay và quy hoạch đến năm 2020 là 48.593ha.
Còn TRC thì lại được kỳ vọng do sở hữu vườn cây cao su trẻ với năng suất cao nhất trong ngành. Bên cạnh đó, sản phẩm chính của TRC là Latex cao su (chiếm 70% tổng doanh thu), là mảng sản phẩm ít cạnh tranh và không phụ thuộc vào tình hình biến động của thị trường. Ngoài ra, TRC cũng đang có dự án trồng cây cao su ở Campuchia với tổng diện tích 6.150ha, nâng tổng diện tích khai thác của TRC lên hơn gấp đôi vào năm 2018.