Dân Việt

Cấm xài tên núi Cấm?

Phương Dung 12/08/2016 09:37 GMT+7
Từ những loại trái cây vứt đi ở núi Cấm ở An Giang, một nông dân đã thu gom và sản xuất ra rượu cà nà và hồng quân rồi bán khắp cả nước. Tuy nhiên, khi người này đi đăng ký nhãn hiệu thì bị chính quyền địa phương phản đối...

 “Thiên Cấm Sơn kỳ tửu” là nhãn hiệu hàng hóa của Cơ sở sản xuất rượu Tùng Nhung (tổ 5, khóm III, thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên). Từ những trái cây mọc hoang dã ở địa phương là cà na và hồng quân, cơ sở này thu gom trong dân rồi ủ rượu trái cây suốt 5 năm nay. Trước đây, hai loại trái cây này không được xem là hàng hóa, bởi một năm chỉ thu hoạch có vài tháng và không trữ được lâu.

Vợ chồng ông Bành Thanh Hải (chủ cơ sở) đã mày mò và chế biến thành đặc sản rượu trái cây. Mỗi năm cơ sở Tùng Nhung đưa ra thị trường từ 7.000 – 10.000 lít rượu, tương ứng với 4 - 5  tấn trái cây hoang dã từ dân nghèo vùng Bảy Núi. Thời gian gần đây, do sự nổi tiếng của sản phẩm, một số người đã lấy tên “Thiên Cấm Sơn kỳ tửu” để tiếp tục đưa ra các dòng sản phẩm mới từ các loại cây cỏ của vùng Thất Sơn như rượu đinh lăng, rượu đào, rượu ba kích. Do đó, ông Hải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Thiên Cấm Sơn kỳ tửu”.

Ngày 3.4.2015, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã có quyết định chấp nhận hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Thiên Cấm Sơn kỳ tửu” của cơ sở Tùng Nhung là hợp lệ.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2016 thì gia đình ông Hải bất ngờ khi ông Tầng Phú An - Phó Giám đốc Sở KHCN An Giang có văn bản đề nghị Cục SHTT không cấp giấy cho cơ sở Tùng Nhung với lý do: “Thiên Cấm Sơn là tên gọi khác của Núi Cấm, là núi cao nhất trong 7 ngọn núi vùng Thất Sơn của An Giang. Đây không chỉ là điểm du lịch rất nổi tiếng được nhiều người biết mà còn có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng. Việc sử dụng và khai thác địa danh Thiên Cấm Sơn là quyền và lợi ích chung của cộng đồng”.

img

Từ loại trái cây hoang dã, trái cà na được ủ thành rượu. Ảnh: Phương Dung

Gia đình ông Hải đi khiếu nại nhiều nơi và cho rằng mình bị o ép. Đến ngày 10.6, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên có văn bản trả lời ông Hải cũng như Cục SHTT, lý do phản đối của địa phương vẫn là “Thiên Cấm Sơn là địa danh ở địa phương, có tính chất cộng đồng của vùng Thất Sơn An Giang, là tên gọi khác của núi Cấm nên không cho cơ sở Tùng Nhung đăng ký độc quyền”.

Theo luật sư Trần Ngọc Phước - Đoàn Luật sư An Giang: Về việc Cơ sở sản xuất rượu Tùng Nhung (Cơ sở Tùng Nhung) bị cơ quan chức năng trong tỉnh “tuýt còi”, không cho sử dụng cụm từ “Thiên Cấm Sơn” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cần phải được xem xét sự việc trên cơ sở toàn diện cả thực tiễn cũng như quy định pháp luật.

Luật sư Phước cho rằng, cơ sở Tùng Nhung là đơn vị sản xuất kinh doanh như những cơ sở khác trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Để có thể phân biệt từng sản phẩm của mỗi đơn vị sản xuất khác nhau pháp luật đã bắt buộc phải có nhãn hiệu hàng hóa, nếu cơ sở vi phạm nhãn hiệu hàng hóa có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ về xử phạt chính hoạt động thương mại. Như vậy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với cơ sở là bắt buộc nhưng vấn đề ở đây là chỉ xác định đăng ký như thế nào mà thôi. Trong đó, có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo chỉ dẫn địa lý.

Điểm h, khoản 2 điều 3 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 thì Nhà nước Quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc địa phương, kể cả địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương; Như vậy Nhà nước chỉ quản lý nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương mà thôi.

"Từ cơ sở trên, Cơ sở Tùng Nhung đăng ký nhãn hiệu tên gọi có 3 chữ “Thiên Cấm Sơn” có vi phạm về pháp luật hay không thì trước nhất cần xác định “Thiên Cấm Sơn” là gì? Theo Địa chí An Giang thì Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn hay Thiên Cẩm Sơn) là một trong 37 ngọn núi có tên thuộc hai huyện miền núi gồm huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, trong đó có 7 ngọn núi nhiều người biết hơn cả. Gọi theo tiếng Việt bảy núi gồm: núi Nước, núi Dài Năm Giếng tên gọi khác núi Dài, núi Ông Két, núi Dài Lớn, núi Tượng, Núi Cấm, núi Cô Tô còn gọi theo từ Hán Việt thì gọi là vùng Thất Sơn, gồm: Thủy Đài Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Anh Vũ Sơn, Ngọa Long Sơn, Liên Hoa Sơn, Thiên Cấm Sơn, Phụng Hoàng Sơn. Vì vậy, bảy ngọn núi (Thất Sơn) có đến 14 tên gọi khác nhau.

Thiên Cấm Sơn kỳ tửu là sản phẩm mang đặc thù gì của địa phương mà Cơ sở lại không được phép sử dụng 3 chữ “Thiên Cấm Sơn”, có phải chăng sản phẩm chỉ dẫn địa lý đó là “Thiên Cấm Sơn” thế “Thiên Cấm Sơn” có ăn, uống được hay không? Chắc là không, vì Thiên Cấm Sơn chỉ một tên gọi khác của Núi Cấm chứ không phải là sản phẩm đại diện cho vùng Bảy Núi.

Từ những cơ sở trên như trên,  tôi thấy rằng:

Một là: một địa danh có hai tên gọi khác nhau vừa có tên gọi bằng tiếng Việt vừa có thể dịch chuyển sang tên Hán Việt để gọi như vậy tên gọi nào phổ biến, tên gọi nào được bảo hộ về tên riêng; tên gọi trên thuộc về địa danh của vùng Bảy Núi (Thất Sơn) thuộc về 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, chỉ có khác chăng là có núi thuộc địa phận của huyện Tịnh Biên còn có núi thuộc địa phận huyện Tri Tôn. Như vậy tên gọi được phân định như thế nào, thuộc về địa phương nào quản lý (ví dụ Cơ sở Tùng Nhung không thuộc huyện Tịnh Biên quản lý mà có địa chỉ ở địa phương khác thì Cơ sở Tùng Nhung đăng ký từ Thiên Cấm Sơn thì có được hay không?).

Hai là: đến thời điểm hiện nay đã có bao nhiêu cơ sở sản xuất rượu tại huyện Tịnh Biên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (ở đây chỉ đề cập đến có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa) như cơ sở Tùng Nhung, có phải chăng đã có nhiều cơ sở như cơ sở Tùng Nhung sản xuất cùng loại (như nước mắm cá cơm Phú Quốc, cà phê Tây Nguyên, vải thiều Hưng Yên, .v.v…) việc Cơ sở Tùng Nhung đăng ký nhãn hiệu “Thiên Cấm Sơn” làm ảnh hưởng đến sản phẩm cùng loại và đây phải chăng Thiên Cấm Sơn là sản phẩm chung cho tất cả các loại rượu được sản xuất tại huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn.

Ba là: Thiên Cấm Sơn có những đặc sản gì mang tính đặc trưng mang bản sắc riêng mà các núi khác không có hoặc các vùng khác không có. Xét về tổng thể đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào đưa ra được sản phẩm nào mang tính đặc thù cá biệt của Thiên Cấm Sơn hoặc Sơn Cấm Thiên (tức Núi Cấm).

Như vậy, chỉ với việc Cơ sở sản xuất kinh doanh lấy tên gọi Hán Việt của một đỉnh núi không đại diện cho sản phẩm vùng miền, không đại diện cho địa chí của địa phương thì không vi phạm pháp luật (điều 74 Luật SHTT). Nếu như, không được dùng từ Thiên Cấm Sơn cơ sở có được dùng tên gọi Núi Cấm cũng như tên của 6 núi còn lại với 12 tên gọi khác nhau (cả tên gọi bằng tiếng Việt lẫn tên gọi bằng Hán – Việt thì có vi phạm).

Xét cho cùng, Thiên Cấm Sơn dùng làm nhãn hiệu hàng hóa chứ không phải là sản phẩm sản xuất hàng hóa đơn vị kinh doanh không ngoài mục đích hướng đến lợi nhuận còn Cơ quan quản lý Nhà nước thực thi quyền quản lý trên cơ sở những gì pháp luật cho phép để đảm bảo quyền lợi chính đáng của tất cả mọi cá nhân tổ chức . Với điều kiện kinh doanh ngày càng khó khăn những sản phẩm mang tính đặc thù địa phương nên khuyến khích phát huy, điều này cũng là hình thức góp phần quảng bá du lịch cho nhiều người nhiều nơi biết đến địa phương chúng ta. Nên chăng Cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ quy định pháp luật điều về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho phù hợp pháp luật không chỉ tăng cường tính quản lý mà còn tạo nền tảng thu hút những nhà đầu tư vào địa phương”, luật sư Phước chia sẻ.

Có thể gửi ý kiến đến Cục Sở hữu trí tuệ

Xung quanh vấn đề này Luật sư Nguyễn Thanh Hà  (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội), một trong những luật sư chuyên về Luật SHTT cho rằng:

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký trong các trường hợp sau đây:

- Nhãn hiệu đăng ký không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của nhãn hiệu

- Nhãn hiệu đã thuộc quyền của người khác

 - Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn, hoặc được coi là nổi tiếng hoặc được thừa nhận rộng rãi;

- Trùng hoặc tương tự với những đối tượng đã thuộc quyền của người khác, gồm tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp,quyền tác giả.

 - Trùng với tên riêng, biểu tượng, hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền).

Theo quy định trên thì một người đăng ký nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó có chứa tên địa danh của địa phương thì sẽ bị từ chối. Tuy nhiên theo thực tiễn thẩm định đơn của Cục sở hữu trí tuệ, tên địa danh lấy căn cứ để từ chối phải được ghi nhận trên bản đồ hành chính quốc gia (thông thường từ cấp huyện trở lên).

Từ thông tin trên cho thấy Núi Cấm chỉ là một trong 7 ngọn núi của vùng Thất Sơn, hơn nữa sản phẩm lại còn lấy tên gọi khác của ngọn núi đó, là Thiên Cấm Sơn. Thiên Cấm Sơn là tên gọi khác của Núi Cấm, tên này là tên gọi cũ, không phải là tên phổ biến và ít được cộng đồng biết đến.

Về mặt luật pháp, Sở KHCN An Giang có quyền nộp đơn phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn bởi bất kỳ bên thứ 3 nào cũng có quyền phản đối. Tuy nhiên, lập luận cho rằng việc sử dụng và khai thác địa danh Thiên Cấm Sơn là quyền và lợi ích chung của cộng đồng để từ chối đăng ký nhãn sản phẩm của ông Bành Thanh Hải là chưa thoả đáng dựa trên những lý lẽ trên.

Trong vụ việc này, Cục sở hữu trí tuệ sẽ là đơn vị quyết định có cấp hay từ chối cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu cho người nộp đơn. Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Hải nên đưa ra các lập luận, ý kiến và gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ. Ông Hải cũng có thể liên hệ với Công ty Luật SBLAW để được trợ giúp.

                                                                                           Lê Chiên (ghi)