Tranh cãi giữa “đại gia” và doanh nghiệp nhỏ
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô mới trước khi Thông tư 20 ra đời cho rằng, Thông tư này đã cản trở con đường kinh doanh của doanh nghiệp, khiến họ phải chuyển sang nhập khẩu xe cũ hoặc kinh doanh những ngành nghề khác. Các doanh nghiệp này cho rằng Thông tư 20 không những ảnh hưởng đến số phận của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhỏ, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ “lợi ích nhóm” cho các doanh nghiệp lớn.
Ông Nguyễn Đình Quyết (Giám đốc Công ty Hưng Hà) chia sẻ: “Theo tính toán, năm 2015, số lượng xe nhập khẩu tăng gấp 3 lần 2011. Do vậy, mục tiêu Thông tư đề ra đã hoàn toàn không đạt được, nhưng lại gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Bây giờ ở đây có Audi, Porsche rất là sang, khi có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có sự lựa chọn.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng (Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội) cho rằng, nếu có Thông tư 20, giá xe sẽ được niêm yếu rõ ràng, khách hàng sẽ không phải lo lắng việc giá xe bị biến động theo thị trường . Ngoài ra, các các công ty kinh doanh ô tô được ủy quyền chính hãng đều phải đáp ứng được yêu cầu của hãng sản xuất về mạng lưới bảo hành toàn quốc với những tiêu chuẩn khắt khe, đi kèm nhiều trang thiết bị sửa chữa chất lượng và đội ngũ kỹ thuật lành nghề. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng bảo hành và dịch vụ sau bán hàng.
Ngược lại, khi không mua xe từ các công ty được ủy quyền chính hãng, người tiêu dùng sẽ đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại trong tương lai khi phải làm các thủ tục bảo hiểm hay bị cơ quan thuế tiến hành truy thu thuế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ rất khó đáp ứng được yêu cầu sửa chữa.
Ông Dũng nói: “Xe hiện đại cần yêu cầu sửa chữa cao hơn, những DN nhập khẩu chính hãng phải đầu tư theo đúng quy trình của hãng. Đơn cử ở hãng tôi, một chuyên gia vừa phải bay từ Đức sang để có thể giải quyết một vấn đề của một xe mà chúng tôi mới nhập. Các dòng xe hiện đại cần rất nhiều thiết bị dụng cụ hỗ trợ, bảo hành sữa chữa. Ví dụ, xe A8 có số thuật toán tính toán trong 1 giây ngang 1 chiếc máy bay thương mại, cần có những dụng cụ sửa chữa chuyên dụng. Mà mỗi một đời xe nhập về lại có dụng cụ chuyên dụng khác nhau, từ 50.000 tới 80.000 đô la Mỹ. Cộng thêm một kỹ thuật viên, chúng tôi mất 10.000 đô la và từ 4 tới 5 năm đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi phải phát triển theo yêu cầu của hãng về mạng lưới sửa chữa, dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ sau bán hàng. Rõ ràng là chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng mới đủ sức đáp ứng đúng quy định và đủ tiêu chuẩn”
Nên giữ lại một phần Thông tư 20
Ông Nguyễn Đông Phong (Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục đăng kiểm Việt Nam) phân tích: Nếu bỏ hoàn toàn Thông tư 20 và quy định ủy quyền chính hãng, cuộc chơi sẽ mở hơn với tất cả. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước giao cuộc chơi lớn cho hãng sản xuất ô tô nước ngoài. Lúc đó, các hãng nước ngoài các sẽ tính toán tới lợi ích của riêng họ, lợi ích này có thể không đồng nhất với lợi ích quốc gia.
Ông Phong nói: “Ủy quyền hay độc quyền? Tôi không bàn đến câu chữ, nhưng việc ủy quyền sẽ gián tiếp tạo ra độc quyền. Từ góc độ chuyên gia, tôi nghĩ bỏ hoàn toàn Thông tư 20 là không hợp lý. Chắc chắn sẽ phải có biện pháp quản lý, từ lúc nhập khẩu đến khâu bán hàng, không thể buông hết. Chúng tôi muốn đảm bảo chất lượng hàng hoá, trước hết bằng các hàng rào kỹ thuật. Ai đáp ứng yêu cầu sẽ được chấp nhận. Tôi cũng muốn đưa ngành nghề nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp phương tiện vào ngành nghề có điều kiện”
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đông Phong, ông Đoàn Hiếu Trung (Giám đốc điều hành tập đoàn Regal Motor Cars, chuyên nhập khẩu và phân phối Rolls-Royce) nói: “Tình hình thực tế cho thấy nếu không giữ lại các điều kiện này sẽ nảy sinh một số bất cập cho người tiêu dùng, các hãng xe và Nhà nước. Đầu tiên là người tiêu dùng, các công ty phải bảo đảm có thể khắc phục mọi vấn đề, khiếm khuyết phát sinh. Nếu như xe nhập khẩu không chính hãng, rất khó cho việc bảo hành, bảo dưỡng. Thứ hai, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mà không có mối liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất thì sao đảm bảo được nếu xảy ra hỏng hóc, trục trặc cần thiết phải có nhà sản xuất cùng tham gia. Còn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, tôi sẵn lòng áp dụng cùng điều kiện nhập khẩu như các đơn vị nhập khẩu khác, miễn sao các điều kiện đó bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh”