Dân Việt

Thực hư án tử dành cho các VĐV Triều Tiên "phạm lỗi lầm" ở Olympic Rio

Phương Đăng (theo BBC) 12/08/2016 19:00 GMT+7
Thông tin cho rằng một nữ vận động viên (VĐV) Triều Tiên có thể phải lĩnh án tử hình do chụp ảnh tự sướng với đối thủ người Hàn Quốc tại Olympic Rio 2016 hay những VĐV Triều Tiên để tuột mất huy chương Vàng (HCV) sẽ phải đối mặt với hình phạt tàn khốc sau khi về nước đang lan truyền mạnh mẽ trên Intenet, khiến nhiều người quan ngại...

Gần đây, nhiều tờ báo lá cải của phương Tây đưa tin, nữ VĐV thể dục Triều Tiên Hong Un Jong có thể phải đối mặt với sự trừng phạt tàn khốc sau khi trở về nước vì ôm và chụp ảnh tự sướng với VĐV Hàn Quốc khi tham dự Olympic Rio 2016 ở Brazil. Hành động này bị cho là sẽ “chọc giận” nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

img

Bức ảnh tự sướng của VĐV Triều Tiên Hong Un Jong và đối thủ người Hàn Quốc Lee Eun-ju đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng.

Theo đó, nhiều người quan ngại, nữ VĐV Hong có thể đối mặt với hình phạt nặng nề nhất sau khi về nước đó là án tử hình. Lee Young-Jong, một nhà báo chuyên về Triều Tiên cho hay, luật pháp Triều Tiên cho phép tử hình những người bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ, phản quốc và khủng bố. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhà lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh xử tử một số người mắc các tội danh nhẹ hơn như bị cáo buộc xem phim Hàn Quốc, phim khiêu dâm hoặc sở hữu sách Kinh thánh...

Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, trước khi đoàn VĐV Triều Tiên sang Brazil dự Olympic Rio 2016, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra tối hậu thư rằng, đoàn hoặc phải mang về ít nhất 5 HCV, hoặc sẽ bị gửi tới trại tập trung lao động khổ sai.

img

VĐV cử tạ Om Yun-Chol của Triều Tiên đã để tuột mất HCV và chỉ giành được HCB tại Olympic Rio 2016

Theo BBC, bình luận về những thông tin trên, nhà phân tích chuyên về Triều Tiên và cũng rất hâm mộ thể thao, ông Michael Madden nói rằng, ông không tin rằng những chuyện như vậy sẽ thật sự xảy ra.

Nhà phân tích cho biết, Triều Tiên đang theo đuổi chính sách "ngoại giao" thể thao từ những năm 1980 và xem đây là vấn đề mang tính quốc gia. Đây được xem là một đường lối phi chính trị để Triều Tiên, một đất nước vốn bị cô lập về mặt chính trị kết nối với phần còn lại của thế giới và hưởng lợi từ sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa.

Triều Tiên thậm chí còn từng đàm phán với Hàn Quốc để gửi một đội tuyển bao gồm các VĐV của cả 2 nước tới dự Thế vận hội mùa hè vào các năm 2000, 2004 và 2008, dù trên thực tế, việc này chưa từng diễn ra.

Theo đó, ông Michael  chỉ ra rằng, tin đồn VĐV Triều Tiên Hong Un Jong sẽ đối mặt với án tử hình hoặc bị đày tới trại tập trung lao động khổ sai sau khi chụp ảnh tự sướng với đối thủ người Hàn Quốc, Lee Eun-ju đã bỏ qua thực tế, năm 2014, Hong cũng từng chụp ảnh và ôm VĐV người Mỹ Simone Biles ở một giải đấu quốc tế.

img

Bức ảnh chụp VĐV Triều Tiên Hong Un Jong ôm VĐV người Mỹ Simone Biles năm 2014. Ảnh BBC

Nếu thực sự việc chụp ảnh và ôm một VĐV của một đất nước bị xem là "kẻ thù" của Triều Tiên thì Hong Un Jong đã bị trừng phạt khi ôm VĐV Simone cách đây 2 năm và không thể được phép tham dự Thế vận hội 2016 ở Rio.

Cũng có những thông tin cho rằng, các VĐV Triều sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng nề, tàn khốc bao gồm bị bỏ tù, bị tử hình nếu không giành chiến thắng trong các giải đấu quốc tế.

Trên thực tế, năm 2010, khi đội bóng đá nam Triều Tiên thất bại tại World Cup, một loạt tin đồn tương tự cũng nổi lên cho rằng, họ sẽ bị gửi tới trại tập trung lao động khổ sai.

Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin các cầu thủ Triều Tiên bị bắt giam hoặc bị đi đày sau giải đấu chưa từng được xác nhận.

img

Đội bóng đá nam Triều Tiên thất bại tại World Cup năm 2010 từng bị đồn sẽ phải lĩnh án phạt tàn khốc, chẳng hạn bị bắt giam hoặc bị đi đày tại trại lao động tập trung. Tuy nhiên, thông tin trên chưa từng được xác nhận.

Chỉ biết rằng, các thành viên trong đội tuyển có tham dự một cuộc họp với các quan chức thể thao, huấn luyện viên và vận động viên đồng thời bị phê bình vì đã không giành được chiến thắng cuối cùng.

Sau đó, huấn luyện viên đội tuyển, như nhiều quan chức cấp cao khác của Triều Tiên khác khi không làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm, đã bị điều chuyển công tác sang lĩnh vực xây dựng vài tháng trước khi được điều động trở lại làm việc tại Liên đoàn bóng đá Triều Tiên nhưng giữ vị trí cấp thấp hơn. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Michael, đó chỉ là trường hợp cá biệt.

img

Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nam Triều Tiên Kim Jong-Hun từng bị điều chuyển sang làm xây dựng trước khi được phục chức

Ông nhấn mạnh rằng, ở Triều Tiên, thể thao là con đường đưa một người tới thành công, có tiền tài và danh vọng. Đối với các VĐV Triều Tiên, được đại diện đất nước tham dự các giải đấu quốc tế là một vinh dự. Các VĐV đạt thành tích tốt thường được chào đón nồng nhiệt khi về nước, được truyền thông ca ngợi và được nhà nước trao tặng các danh hiệu và giải thưởng lớn như một căn hộ đầy đủ tiện nghi ở Bình Nhưỡng.

Do đó, trên thực tế, đối với các VĐV Triều Tiên không đạt được thành tích tại các giải đấu, điều tồi tệ nhất xảy ra với họ sau khi về nước chính là không được nhắc đến và bị lãng quên.