Dân Việt

Bộ Công Thương: Nơi “chắp cánh” những con đường công danh “kỳ ảo”

Bùi Hoàng Tám 13/08/2016 07:45 GMT+7
Đáng ra, trong thời điểm phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước, Bộ Công thương phải ở vào thời kỳ đỉnh cao huy hoàng và rực rỡ. Tiếc thay một thập kỉ qua, họ chưa làm được điều này. Thậm chí, dưới thời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, lại xuất hiện sự phát triển rất…. “huy hoàng” của những con đường công danh “kỳ ảo”.

Xin điểm lại 4 vụ thăng chức “huy hoàng” đầy “kỳ ảo”.

Vụ việc thứ nhất, trước hết phải kể đến cuộc tuyển công chức mà sau này được gọi là “cuộc thi thoảng mùi o bế cháu con”.

Cách đây gần 3 năm (10.2013), Cục Quản lý Thị trường tổ chức thi tuyển công chức theo phân cấp của Bộ Công thương. Cuộc thi có 299 thí sinh tham gia nhưng chỉ có 10 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi xấp xỉ 1/30). Sau khi công bố kết quả, nhiều đơn thư khiếu nại tố giác cuộc thi lộ đề và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là con cháu của những người trong Cục.

Trước các nghi vấn trên, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) Bộ Công an vào cuộc và đã kết luận có vi phạm xảy ra trong kỳ thi này.

img

Trụ sở Bộ Công Thương

Đây là một vụ việc nghiêm trọng, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, vụ việc “không đơn thuần là làm lộ đề một kỳ thi tuyển công chức mà còn làm lộ bí mật của cơ quan Nhà nước… có thể phải đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án”.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá bày tỏ: “Người làm sai là một chuyện, nhưng người lãnh đạo cấp trên rõ ràng phải chịu trách nhiệm nặng nhất. Nếu chỉ kỷ luật, chỉ hạ một vài bậc lương thì tôi e không giải quyết được vấn đề…”.

Thế nhưng thật ngạc nhiên, hai chức danh cao nhất của Hội đồng thi lại bị xử lý… nhẹ hều. Ông Chủ tịch Hội đồng Trương Quang Hoài Nam (khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường) sau này còn được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Cần Thơ. Ông Phó Chủ tịch Hội đồng thi Trịnh Văn Ngọc thì được bổ nhiệm chính thức làm Cục trưởng.

Vụ việc thứ hai, là con đường công danh “kỳ ảo” của ông Trịnh Xuân Thanh.

Xin chỉ tính từ thời điểm làm Phó bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông Thanh lên chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty này. Trong thời gian “trị vì”, ông Thanh đã để lại một “thảm trạng không thể xấu hơn cho PVC”. Đó là khoản thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng và có thời điểm, gần mất hết vốn nhà nước.

Trong khi nhiều cá nhân, đơn vị trong PVC thời kỳ đó bị khởi tố hình sự thì không hiểu sao, ông Thanh lại… thoát hiểm một cách bình an và ngoạn mục để đi tìm được bến đỗ mới. Đó là chức Phó chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng đại diện miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.

Rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau, ông Thanh lại được lãnh đạo Bộ Công Thương tín nhiệm, bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng phụ trách của Bộ, sau đó là Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp...

Cuối cùng, ông Thanh được luân chuyển về làm tới chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tham gia ứng cử và được bầu làm Đại biểu Quốc hội.

img

Ảnhminh họa

Vụ việc thứ ba, phải kể đến là những bước “đi tắt, đón đầu” của ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Theo báo Tuổi trẻ, từ một người chưa từng kinh doanh, khi mới 25 tuổi (2011), ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI) trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách.

Trong hai năm mà ông Hải trực tiếp điều hành, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp. Cụ thể năm 2011 lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng. Sau khi doanh nghiệp lỗ, ông Vũ Quang Hải được điều động về Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương và từ đó, ông này thăng tiến rất nhanh.

Năm 2015, ông Hải được lãnh đạo Bộ Công thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó Tổng giám đốc.

VAFI đặt câu hỏi: Cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải lên chức danh Phó vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách, lại làm doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp? VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco?

Vụ việc thứ tư, mà báo Tiền phong gọi là cuộc “thăng tiến chóng mặt” dù thua lỗ… ngàn tỉ.

Đó là trường hợp ông Vũ Đình Duy. Báo Tiền phong cho biết: “Trong 2 năm sau khi rời khỏi chức vụ TGĐ Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), để lại dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ đối mặt thua lỗ nặng, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất, ông Vũ Đình Duy được luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau…

Ngày 18.6.2015, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng ký Quyết định số 6139/QĐ-BCT bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy giữ chức Phó Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp.

Lãnh đạo cục đã phản ứng quyết liệt vì khi đó Cục đã có đủ 3 phó cục trưởng theo quy định. “Chắc có họ hàng gì đó (với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng-PV) nên ấn về cục. Sau khi lãnh đạo Cục phản ứng, bên Vụ tổ chức cán bộ mới cho biết là do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có ý kiến đưa Duy về làm Cục phó?”. Một lãnh đạo Cục này cho biết.