Dân Việt

Con tôm Việt giữ vị trí “trung phong”

Ngọc Lê 16/08/2016 10:06 GMT+7
Theo dự kiến, năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ đạt tới trên 3 tỷ USD (vượt cả xuất khẩu gạo). Xác định đây là mặt hàng chiến lược của Việt Nam, tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã tới thăm thủ sản xuất phủ tôm giống tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận và chủ trì hội nghị lớn để đưa ra những định hướng cho ngành tôm.

Sáng 15.8, tại tỉnh Bình Thuận, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị quản lý tôm giống nước lợ với sự tham dự của đại diện tất cả 28 tỉnh, thành ven biển.

Nâng tầm tôm Việt

“Nâng tầm tôm Việt” tuy là slogan của Tập đoàn sản xuất tôm hàng đầu Việt - Úc, nhưng chính lãnh đạo tập đoàn này cũng cho rằng, đây là mục tiêu chung cho cả ngành tôm Việt Nam. Tới thăm trụ sở sản xuất tôm giống của Việt - Úc tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), chiều 14.8, ai cũng bị cuốn hút vào câu chuyện “con tôm Việt” tại đây.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. L.H

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), với diện tích thả nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ) 680.000ha, hàng năm nhu cầu con giống cần tới 130 tỷ con (trong đó 100 tỷ con tôm thẻ và 30 tỷ tôm sú).

Giãi bày với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về con tôm Việt, ông Đặng Quốc Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt- Úc đã “liệt kê” hàng loạt các lợi thế mà Việt Nam đang và sẽ có được như lợi thế về việc thích ứng của con tôm trong nông nghiệp; Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng ASEAN với 600 triệu dân, nên giờ làm con tôm không phải cho 90 triệu người trong nước ăn, mà cho cả 600 triệu người.

Việt Nam đã tham gia tới 15 hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, tham gia TPP, nghiễm nhiên Việt Nam sẽ “loại” được 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Indonesia do 2 nước này không tham gia hiệp định. “Chúng tôi rất mong đợi vào TPP, các quốc gia nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam có Mỹ, Nhật, Úc nằm trong khối TPP”- ông Tuấn hào hứng chia sẻ.

Ông Tuấn cũng lấy hình ảnh của kình ngư người Singapore Schooling- người vừa chiến thắng siêu kình ngư M.Phelps của Mỹ để đoạt Huy chương Vàng môn bơi để nói về khát vọng vươn lên của ngành tôm Việt. “Chúng ta có đủ khát vọng để nâng tầm trở thành cường quốc, thành công xưởng sản xuất tôm cho cả thế giới”- ông Tuấn giãi bày. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để nâng tầm được tôm Việt thì thứ nhất nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục, mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Nam Miền Trung, Việt Nam có lợi thế lớn về sản xuất tôm như thời tiết thuận lợi, con người chịu khó, chỉ có điều chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn tôm giống bố mẹ. Kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ông Hoàng Anh nói: “Chúng tôi rất mong Bình Thuận hoặc một nơi nào đó có vị trí quy hoạch đặc biệt như ở đảo hoặc vùng cách xa vùng nuôi tôm tập trung để doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tôm bố mẹ”.

Phải “xốc lại đội hình”

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức cực lớn. 3 thách thức gồm: Thứ nhất, nông nghiệp nước ta là nền sản xuất nhỏ dựa trên 12 triệu hộ nông dân, mỗi hộ chỉ canh tác 0,3ha, các ngành truyền thống khác cũng vậy với bình quân của các đơn vị sản xuất rất thấp. 

Thứ hai là biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này sẽ làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của sản xuất truyền thống, nếu chúng ta cứ đi theo hướng đồng bằng sông Cửu Long là lúa, cây ăn trái, là thủy sản; miền Bắc là lúa, miền Trung cũng lúa, chỗ nào cũng lúa, thì sẽ không hiệu quả, mà cần phải chuyển dịch dần sang nuôi tôm.

Thứ ba, hội nhập sâu rộng có nghĩa Việt Nam là thị trường mở của thế giới. Mở ở đây là mở 2 chiều, do đó, phải cấu trúc lại nền sản xuất. “Cấu trúc lại nền sản xuất theo hướng gì? Về nguyên tắc, có 2 nguyên lý: Cái gì mạnh thì ta làm, hay nói đúng hơn là lợi thế. Thứ hai làm là phải khoa học công nghệ, một chuỗi giá trị sâu nhất, ở đó chúng ta chiếm thị phần lớn nhất về chuỗi giá trị”- ông Cường nêu vấn đề.

Nêu ra những thách thức cụ thể trên, ông Cường chia sẻ: “Khi chúng tôi tiếp cận công việc, chúng tôi xác định rõ, Việt Nam trong tái cơ cấu thủy sản có một dư địa lớn, đó là con tôm. Chúng tôi khẳng định, con tôm sẽ là một dư địa trước mắt cho phục hồi bù đắp một phần tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm. Đó là về lâu dài, con tôm được coi là mặt hàng chiến lược của chúng ta”.

“Do đó, tập trung khắc phục cơn bão số 1 và số 2 xong, tôi chỉ đạo tổ chức ngay hội nghị tôm về con giống với lý do con giống là tiền đề. Tôm là con đầu tiên có thị trường tới cả 7 tỷ người trên thế giới. Đó là thị trường dự báo rất mở rộng. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế”- ông Cường khẳng định.

Theo ông Cường, chúng ta phải có bước đi táo bạo hơn kể cả sản phẩm giống, thức ăn, công nghệ, phải đi có những quyết sách đi nhanh hơn, không cần tuần tự. “Câu chuyện facebook trả lời ta việc đó, những tập đoàn trước kia đi hàng trăm năm, thì bằng khoa học công nghệ, bằng khát vọng, con người chỉ đi từ 2-3 năm vẫn đến đích và câu chuyện với con tôm cũng vậy”- ông Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, doanh nghiệp sản xuất tôm cần “xốc lại đội hình”, một mặt duy trì chiến lược, một mặt duy trì con tôm thương mại tốt như hiện nay để ổn định cơ cấu thị phần, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho  chiến lược cạnh tranh quyết liệt nay mai đang đặt ra với nền tảng có sẵn. “Mục tiêu của chúng ta là làm cho ngành tôm phát triển hơn, xuất khẩu phải đạt hơn 4 tỷ USD. Muốn làm được như vậy, nhà nước- doanh nghiệp- nhà khoa học phải cùng chung tay, chung sức làm mới thành công”- ông Cường kết luận.