Áp thấp nhiệt đới có thể sẽ mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Ảnh báo Quảng Ninh.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ sáng nay (16/8), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 1 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 290km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11.
Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện áp thấp nhiệt đới cách bờ biển nước ta hơn 1000km. Nếu vẫn giữ nguyên hướng di chuyển, khả năng bão sẽ đổ bộ vào bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh – Hà Tĩnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Từ tối nay (16/8) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10-11. Ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ chậm lại, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới Bắc Bộ, từ ngày 16-19/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 350mm. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng trũng.
Để chủ động đối phó với tình hình mưa bão, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện yêu cầu các địa phương chuẩn bị ứng phó với các tình hình thời tiết xấu nhất có thể xảy ra.
Theo đó, các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão. Kiểm đếm và thông báo cho các chủ tàu, thuyền để chủ động phòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm.
Các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường xuyên theo dõi và thông báo tình hình mưa lũ đến các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa.
Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét; rà soát lại các đập chứa nước, vận hành cửa van để xả nước đón lũ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu hồ chứa.
Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ đạo Trung ương để kịp thời có chỉ đạo và ứng cứu.