Theo National Interest, trong suốt hai thập kỷ qua đã có nhiều bằng chứng cho thấy, ngư dân Trung Quốc đã tiến hành đánh bắt trộm trên quy mô lớn ở Biển Đông bằng các biện pháp nguy hiểm, sử dụng chất độc xyanua, thuốc nổ và dây nổ. Những loài sinh vật biển quý hiểm trong lòng Biển Đông như rùa, trai, sò khổng lồ, cá mập, cá trình... là mục tiêu vơ vét của ngư dân Trung Quốc.
Tháng trước, khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyến bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố nhằm độc chiếm Biển Đông, tòa án đồng thời cũng lên án hành động hủy diệt tàn bạo của Bắc Kinh đối với hệ sinh thái biển xung quanh các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp, xây dựng trái phép trong khu vực, bao gồm ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tòa nêu rõ, các hoạt động xây dựng, bồi đắp trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã "gây tổn hại vĩnh viễn và không thể khắc phục đối với hệ sinh thái rạn san hô" trong khu vực.
Trung Quốc đã ồ ạt cải tạo đất, biến Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo rất lớn, diện tích gần 100.000 m2, có cả đường băng dài 3 km, nhằm biến nơi đây thành “tàu sân bay trên cạn” . Ảnh: CSIS/Jane’s
Tòa trọng tài còn vạch trần sự thật rằng, giới chức trách Trung Quốc rõ ràng nhận thức đầy đủ về tính chất, phạm vi cũng như tác động đáng ngại của những động thái trên của họ nhưng vẫn cố tình làm ngơ. Điều 192 và 194 trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong đó yêu cầu các nước thành viên phải gìn giữ và bảo vệ môi trường biển. Trung Quốc tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng đã bất chấp Điều 192 và 194 để hỗ trợ và thực hiện các hoạt động làm tổn hại đến hệ sinh thái mong manh của Biển Đông.
Theo National Interest, trong những năm qua, hoạt động phá hoại đáng ngại nhất của Trung Quốc đối với hệ sinh thái ở Biển Đông liên quan đến việc săn bắt trộm trai khổng lồ của ngư dân nước này, dẫn đến việc hủy diệt một diện tích lên tới 103.599 m2 các rạn san hô trong khu vực. Do hệ sinh thái Biển Đông có tính chất liên kết với nhau chặt chẽ, sự hủy diệt đối với khu vực này có nguy cơ gây ra hậu quả nặng nề ở cả nhiều khu vực khác.
Bất chấp các cáo buộc và bằng chứng, về phần mình, Bắc Kinh mạnh mẽ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài. Thậm chí, nước này còn trơ trẽn tuyên bố rằng, hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của họ ở Biển Đông không gây ra bất cứ nguy hại nào cho môi trường biển và thậm chí, Bắc Kinh còn gọi đây là mô hình "dự án xanh".
Tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức vào đầu năm nay, Đô đốc Sun Jianguo, Phó Tham mưu trưởng của của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc còn ngang ngược nói rằng, dự án xây đảo nhân tạo ở Biển Đông của nước này ngoài việc "đáp ứng các đòi hỏi quốc phòng cấp thiết" còn giúp Bắc Kinh thực hiện trách nhiệm quốc tế của họ tốt hơn, bao gồm cả trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc tuyên bố, việc hệ sinh thái biển ở Biển Đông bị hủy diệt trên diện rộng là do nạn đánh bắt tràn lan mà các quốc gia trong khu vực đều không thể ngăn chặn được.
Trong nhiều năm qua, ngư dân Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động đánh bắt trộm ở Biển Đông.
Theo nhà phân tích Abhijit Singh, những tuyên bố mà giới chuyên gia Trung Quốc đưa ra là nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận đối với các hành động hủy diệt hệ sinh thái Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm việc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Abhijit Singh bình luận, bằng cách chối bỏ sai phạm của mình, Trung Quốc đã đẩy trách nhiệm khắc phục hậu quả cho các quốc gia ven biển khác.
Theo National Interest, trong khi cả thế giới hiện đặc biệt quan ngại về những tác động địa chính trị khủng khiếp trong trường hợp tranh chấp Biển Đông leo thang thành xung đột quân sự, thì cũng có những câu hỏi cấp bách liên quan đến hệ sinh thái biển cũng cần phải được trả lời.
Các nguồn tài nguyên dồi dào ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển, là sinh kế của hàng triệu ngư dân và đặc biệt là nguồn thực phẩm bổ dưỡng.
Với một diện tích khoảng 3 triệu km2, Biển Đông là một kho cá khổng lồ. Các nhà khoa học cho biết có tới 3.365 loài cá sinh sống ở đây và năm 2012, ước tính 12% tổng lượng cá toàn cầu được đánh bắt ở Biển Đông. Doanh thu từ lượng cá dồi dào này lên tới gần 22 tỉ USD.
Nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều quốc gia quanh Biển Đông đang phụ thuộc lớn vào nguồn cá tôm dồi dào để sinh sống. Khi lượng cá giảm, số người bị suy dinh dưỡng cũng tăng lên.
Nghề khai thác cá ở Biển Đông tạo công ăn việc làm cho 3,7 triệu người. Đây được xem là nghề quan trọng nhất với những quốc gia ven biển vì giúp 4 triệu cư dân trẻ tuổi có việc làm ổn định. Ở các vùng ven biển, cơ hội nghề nghiệp rất ít.
Tuy nhiên, nguồn tài nguyên cá đang đứng trước thách thức vô cùng lớn. Hiện tại, cá ở Biển Đông đang bị khai thác quá mức. Năm ngoái, số liệu cho thấy 55% tổng lượng tàu cá toàn cầu tập trung ở Biển Đông. Lượng cá đã giảm tới 70% kể từ năm 1950. Trong khi đó, các rạn san hô ở Biển Đông đang suy giảm nghiêm trọng về diện tích với tốc độ 1,6%/năm.
Đối mặt với nguy cơ thảm họa môi trường ở Biển Đông, theo National Interest, các quốc gia trong khu vực phải nhanh chóng thiết lập một cơ chế chung để bảo vệ hệ sinh thái biển. Đây được cho sẽ là một thách thức cực lớn, đòi hỏi Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực phải kiềm chế các hoạt động làm leo thang căng thẳng và nỗ lực hợp tác để hồi sinh và khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông.