Dân Việt

Hết cafe “Xin chào” lại tới “điện thoại cùi bắp”

Ngọc Thọ 17/08/2016 06:32 GMT+7
Nếu đã không giúp được gì cho doanh nghiệp, người dân thì cũng xin đừng ỷ quyền, cậy thế nhũng nhiễu, hạch sách, kiếm cớ dồn ép những con người “thấp cổ bé họng" với khát vọng mưu sinh một cách thiện lương.

Chỉ trong vòng mấy tháng, khi dư âm vụ “quán cà phê Xin Chào” - ông Nguyễn Văn Tấn, (quận Bình Tân, TP.HCM), chủ quán bị khởi tố về “hành vi kinh doanh trái phép do mở quán cà phê chưa có giấy đăng ký kinh doanh” chưa kịp lắng xuống thì cả nước lại xôn xao với vụ “Điện thoại cùi bắp”.

Chuyện vắn tắt là anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú tại quận 10, TP.HCM) từng đi bộ đội, sau khi xuất ngũ, anh vay mượn tiền đi học sửa chữa điện thoại làm kế sinh nhai để nuôi vợ con và cha mẹ già. Sau 6 năm, anh vẫn không tích cóp đủ vốn để thuê và mở cửa hàng nên buộc phải sửa chữa điện thoại ngay tại nhà để tiết kiệm chi phí. Và bao năm qua, anh Tiến nhận sửa chữa điện thoại hỏng và mua bán điện thoại cũ Nokia - những dòng điện thoại mà hãng này không còn sản xuất.

Rồi một ngày giữa tháng 6.2016, anh tiếp một vị khách lạ cứ nằng nặc đòi mua bằng được dòng điện thoại Nokia 6700 đã dừng sản xuất 7 năm nay. Mua xong vị khách này vẫn cứ nấn ná dưới nhà một lúc lâu trước khi được anh lịch sự tiễn ra về. Thế nhưng khi nụ cười và cái bắt tay giữa anh với vị khách kia chưa kịp dứt thì hàng chục cán bộ công an mặc cảnh phục p vào khám xét, kiểm tra bất thình lình.

img

Anh Dương Trọng Tiến- người sửa điện thoại "cùi bắp" tại Quận 10.

Những cán bộ công an quận 10 bằng nghiệp vụ của mình rất nhanh chóng thu giữ toàn bộ hàng chục chiếc điện thoại (đang được bày bán và được khách gửi sửa), sạc, sổ sách, giấy biên nhận sửa chữa.

Rồi ngay ngày hôm sau, anh thợ sửa điện thoại “cùi bắp” này được “mời” lên Công an quận 10 mà theo như lời anh Tiến kể lại là được một điều tra viên hỏi thẳng: “Muốn phạt hành chính hay hình sự đây?” và mớm “Nên chọn phạt hình sự vì từ ngày 1.7, tội kinh doanh trái phép cũng bị bãi bỏ, không còn hiệu lực” và như thế sẽ “không hề hấn gì”.

Anh thợ sửa chữa điện thoại cùi bắp tội nghiệp này được vị điều tra viên kia đưa cho xem quyết định khởi tố bị can về tội danh “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”. Thế nhưng, hoảng quá, anh bỏ về. Và suốt từ đó tới nay, anh thợ sống trong nơm nớp, lo lắng vì có thể bị hốt, nhốt bất kỳ lúc nào.

Thế nhưng, thật may khi báo chí vào cuộc phản ánh và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo vụ việc, công an quận 10 liền lên tiếng bác bỏ rằng “không hề có quyết định khởi tố bị can với anh Tiến” thì lúc đó dư luận mới phần nào thở phào nhẹ nhõm cho số phận của anh Tiến.

Thực ra nếu không có vụ “Điện thoại cùi bắp” thì vụ “quán cà phê Xin chào” đã có thể được xem là trường hợp cá biệt. Hai vụ việc xảy ra chỉ trong vòng mấy tháng tại thành phố được xem là năng động nhất cả nước, là đầu tàu cho cả nền kinh tế đã cho thấy một thực tế buồn.

Dường như trái ngược với những cam kết và hành động thực tế của Chính phủ trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho môi trường kinh doanh thì tại địa phương, một số cán bộ cấp dưới hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp và người dân lại đang làm điều ngược lại. Việc lợi dụng các quy định của pháp luật nếu có để hình sự hoá những hoạt động rất đỗi bình thường trong kinh doanh là điều đáng lên án. Thậm chí, sự lạm quyền, vượt quá quyền hạn, ranh giới đạo đức trong khi thi hành công vụ của một số cán bộ công quyền với động cơ không thật trong sáng có chiều hướng phổ biến.

Sau hai vụ việc đã không còn hy hữu trên, dư luận, người dân có quyền đặt câu hỏi: Phải làm sao để ngày mai, ngày kia và cả tương lai sẽ không còn những vụ như “quán cà phê Xin chào” hay “điện thoại cùi bắp” nữa?

Câu trả lời trước hết nằm ở những người thực thi pháp luật, được giao quyền hạn và trách nhiệm, nghĩa vụ (phục vụ nhân dân) phải làm việc thật công tâm, khách quan. Những công bộc của dân hãy quan niệm một điều nếu đã không giúp được gì cho doanh nghiệp, người dân thì cũng xin đừng ỷ quyền, cậy thế nhũng nhiễu, hạch sách, kiếm cớ dồn ép những con người “thấp cổ bé họng" với khát vọng mưu sinh một cách thiện lương.

Và quan trọng hơn, có lẽ, chỉ có cách vào cuộc, rà soát, kiểm tra và xử lý thật nghiêm minh những trường hợp dồn ép, lạm quyền, xem pháp luật là công cụ và phương tiện để hù doạ, dồn ép người dân và doanh nghiệp thì mới may ra xử lý được tận gốc ung nhọt này.

Ngọc Thọ