Dân Việt

Bán “của để dành” và Habeco, Sabeco?

Thanh Hương 17/08/2016 10:08 GMT+7
Cuộc họp này cũng được giới đầu tư chờ đợi với kỳ vọng sẽ có được lộ trình cụ thể để thoái vốn nhà nước hiện do SCIC quản lý tại các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk, Nhựa Bình Minh…

Sáng nay (17.8), một nguồn tin cho biết Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sẽ họp về phương án thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn.

Trước đó vào tháng 10.2015, Chính phủ đã có công văn số 1787/TTg-ĐMDN, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, nơi Nhà nước đang nắm giữ phần vốn tương đương khoảng 3 tỷ USD. Đây cũng là những doanh nghiệp có cổ phiếu được nhà đầu tư trong đó có khối ngoại, chờ đón trên sàn chứng khoán.

img

10 doanh nghiệp có tên trong danh sách này gồm có Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán: BMI) với tỷ lệ Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (VNR) có tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 40,36%; Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) có vốn 46,6% vốn nhà nước; Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) có 37,1% vốn Nhà nước; Công ty Hạ tầng và  bất động  sản Việt Nam (VIID) với 47,6% vốn Nhà nước; Công ty Nhựa Bình Minh (BMP) có 29,6% vốn Nhà nước; Công ty Sữa Việt Nam (VNM) có 45,1% vốn nhà nước; Công ty cổ phần FPT (FPT) có 6% vốn nhà nước; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) có 45,1% vốn nhà nước; Công ty viễn thông FPT (FPT Telecom) có 50,17% vốn nhà nước.

Cuộc họp này cũng được giới đầu tư chờ đợi với kỳ vọng sẽ có được lộ trình cụ thể để thoái vốn nhà nước hiện do SCIC quản lý tại các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk, Nhựa Bình Minh…

Gần đây ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục  tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, số doanh nghiệp này là "của để dành" nên cần có cách làm khác trong quá trình bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Nếu bán cùng lúc cả 10 doanh nghiệp có thể làm tăng sức nóng của thị trường, nhưng một lượng lớn vốn tốt bán ra thị trường có thể dẫn tới bị ép giá, rất thiệt thòi, do đó cần tính toán thời điểm thích hợp để bán nhằm đảm bảo thị trường không quá nóng”, ông Tiến nói.

Giới đầu tư cũng tính toán rằng, việc thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn này nếu thành công sẽ giúp Nhà nước thu về cỡ 3 - 4 tỷ USD.

Ngoài 10 doanh nghiệp lớn được xem xét thoái vốn trong cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành liên quan diễn ra sáng nay còn có 2 doanh nghiệp khủng trong ngành bia cũng được xem xét là Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco).      

Kế hoạch thoái vốn tại Sabeco, Habeco cũng thu hút được nhiều quan tâm của giới đầu tư và dư luận bởi đây là 2 doanh nghiệp lớn, đứng số 1 và số 3 trong ngành bia hiện nay, tính theo sản lượng.

Hiện Nhà nước đang nắm 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco và 82% vốn điều lệ tại Habeco.

Bộ Công thương cũng đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại Sabeco. Cụ thể, hai phương án được đưa ra để bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco gồm giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần và thực hiện đấu giá công khai hoặc thoái phần vốn Nhà nước tại Sabeco làm 2 đợt, đợt 1 bán 40% và đợt 2 bán 13,59%.