Hà Nội có nguy cơ xảy ra ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão Thần Sét.
Mưa lớn xảy ra trên diện rộng
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cơn bão số 3 – Thần Sét đang tiến vào nước ta, cách bờ biển Hải Phòng hơn 300km. Dự báo khoảng 12 giờ trưa mai (19/8), bão sẽ tiếp cận vùng biển Thái Bình – Nam Định và liên tục thay đổi cường độ.
Hoàn lưu bão Thần Sét hoạt động rộng hơn 200km có thể gây ảnh hưởng cho 28 tỉnh, thành phố của nước ta. Bão liên tục mạnh lên khi đi vào vịnh Bắc Bộ do gặp điều kiện thời tiết thuận lợi.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh-Thanh Hóa khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.
Từ chiều nay (18/8) đến hết ngày 20/8, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi cao và ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Riêng Hà Nội khi bão đổ bộ, ngày 19/8 sẽ có gió cấp 6-7, giật cấp 9-10. Lượng mưa phổ biến 200mm, nguy cơ xảy ra ngập lụt.
Cấm biển, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở
Tâm bão Thần Sét được dự đoán sẽ đổ bộ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh. Hiện các địa phương đang triển khai quyết liệt công tác phòng chống bão.
Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 18/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với ngành thủy sản, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 36.321 phương tiện, lồng bè, lều chòi trên tổng số 125.721 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động di chuyển phòng tránh.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức sơ tán dân, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; căn cứ tình hình thực tế tổ chức triển khai lực lượng phương tiện bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu.
Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên cho hay, tỉnh chỉ còn 5/1.300 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển. Các tàu, thuyền này đã được thông báo và đang trên đường vào bờ trú ẩn.
Hơn 3.000 lao động nuôi trồng thủy, hải sản trên biển đã được vận động vào bờ. Đến 10 giờ sáng mai (19/8), người nào không thực hiện chỉ đạo sẽ bị xử lý nghiêm.
Di dời 160 hộ dân sống ở ngoài đê quốc gia. Huy động các trạm bơm hoạt động hết công suất để chủ động tiêu úng nước đệm trong đất.
Nam Định: Theo báo cáo của ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Nam Định đã cấm biển từ sáng nay 18/8. Hơn 3.000 tàu thuyền ngoài khơi của tỉnh sẽ được kêu gọi về bờ trước 16 giờ chiều nay.
Rà soát lại các nhà, chung cư ven biển nguy hiểm trước 12 giờ trưa mai 19/8. Tu bổ, đưa rọ đá vào kè các đoạn đê xung yếu như đê Hải Hậu, đê Quy Phú... Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hưng Yên đã hỗ trợ Nam Định 1.500 rọ đá để kè đê.
Quảng Ninh: Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, tỉnh đã dừng hoạt động và đưa vào nơi trú ẩn 533 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long từ 15 giờ chiều nay (18/8).
7.653 tàu, thuyền đánh cá đã được kêu gọi vào bờ trú ẩn. Có 33 du khách nước ngoài đang du lịch tại các vịnh, yêu cầu các khách sạn phục vụ chu đáo và đảm bảo an toàn cho các du khách. 1045 bè nuôi trồng thủy sản đã được thông báo.
Gia cố những tuyến đê xung yếu, chưa được bê tông hóa. Di dời những nhà dân, chung cư ven biển xuống cấp đến nơi an toàn.
Vị trí và hướng di chuyển của bão Thần Sét lúc 14h chiều nay (18/8). Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Lào Cai: Ông Đặng Xuân Phong – Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, Lào Cai đang tích cực sửa chữa cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất sau bão số 1 và cơn bão số 2.
Đồng thời, tỉnh đã chủ động thông tin đến các địa phương, người dân vùng sâu, vùng xa để nắm bắt tình hình và chủ động phòng tránh.
Di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm cần thiết. Nghiêm cấm người dân ra sông, suối vớt củi, gỗ. Tổ chức canh gác, hướng dân người dân đi qua các khu vực sông suối, đò ngang…
Hà Nội: Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng đã ra công điện yêu cầu các quận, huyện thực hiện việc tiêu nước do ảnh hưởng của mưa vừa qua.
Chỉ đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội kiểm tra máy móc, thiết bị tiêu nước đệm. Bộ Công an cần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, hướng dẫn người dân đi lại qua các khu vực úng ngập.
Công ty cây xanh kiểm tra cây xanh, bố trí lực lượng thu dọn khi có cây đổ sau bão. Tổng công ty điện lực kiểm tra hệ thống lưới điện, không để mất điện trước, trong và sau khi bão đổ bộ…