Xử lý sự cố điện sau bão số 1 tại Hà Nội (Ảnh Hoa Việt Cường)
EVN cho biết, trong cơn bão số 1 và 2 vừa qua, ngành điện miền Bắc đã thiệt hại khoảng 385,65 tỷ đồng.
Đêm ngày 27.7, cơn bão số 1 đã đổ bộ vào khu vực một số tỉnh miền Bắc nước ta với gió giật mạnh trên cấp 12, thời gian duy trì gió mạnh kéo dài, đã gây thiệt hại nặng nề đối với lưới điện trung áp và hạ áp tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, làm mất điện diện rộng tại các tỉnh này.
Cụ thể, bão đã gây sự cố 1 đường dây 500 kV, 1 đường dây 220 kV, 28 đường dây 110 kV, 625 đường dây trung áp, 14.903 trạm biến áp phân phối bị mất điện. Trong đó có 1 cột đường dây 110 kV bị đổ; 2.101 cột điện trung áp bị gẫy, đổ; 1.322 cột bị nghiêng; số cột điện hạ áp bị gẫy, đổ là 7.963 cột, số cột bị nghiêng là 9.085 cột.
Còn cơn bão số 2 đã gây mưa giông, lũ quét tại một số địa phương. Đêm 2.8, rạng sáng ngày 3.8, có 10 đường dây 110 kV bị sự cố do ảnh hưởng của giông sét, trong đó có 8 đường dây chỉ có sự cố thoáng qua đã đóng lại vận hành ngay, có 2 đường dây 110 kV bị sự cố do đứt dây chống sét, phụ tải được chuyển cấp từ nguồn khác. Ngày 4/8 đã khắc phục xong.
Hoàn lưu của bão số 2 đã làm lưới điện phân phối một số khu vực như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Yên Bái bị ảnh hưởng. Đặc biệt vào sáng ngày 5.8.2016 khu vực Lào Cai xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại đến lưới điện do Công ty Điện lực Lào Cai quản lý với 8 cột điện trung áp bị gẫy, đổ và 57 cột nghiêng, đứt 700m dây dẫn; 28 trạm biến áp phân phối bị mất điện.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty/đơn vị trực thuộc nhanh chóng khắc phục sự cố, từng bước cấp điện trở lại an toàn cho các khách hàng, trong đó ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng và đặc biệt là tập trung mọi nỗ lực để khôi phục cấp điện nhanh nhất cho các trạm bơm tiêu úng cứu lúa.
Sau khi khắc phục xong, EVN cũng đã họp rút kinh nghiệm, đánh giá toàn diện công tác phòng chống thiên tai từ công tác theo dõi, chuẩn bị, chỉ huy, chỉ đạo khắc phục hiệu quả, đồng thời tiếp tục quán triệt công tác, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thực tế, trong hai cơn bão vừa qua, cột điện ở nhiều tỉnh khu vực phía Bắc đã bị gẫy, đổ la liệt. Nhiều ý kiến cho rằng cột điện gãy đổ là “có vấn đề”!? Trong khi đó, ngành điện cho rằng, việc cột điện đổ qua hai cơn bão cần có sự khách quan đánh giá.
Trao đổi trên báo chí, lãnh đạo một công ty điện lực địa phương cho biết, cột điện gãy đổ do thiên tai, bão gió, tác động từ bên ngoài là điều có thể xảy ra. Hơn nữa có những cột điện, đường dây đã đầu tư lâu hàng chục, thậm chí vài chục năm lại chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt. Những cột điện trong thành phố còn phải gánh chịu thêm nhiều loại dây viễn thông nên sức chịu đựng cũng giảm đi.
Về mặt thi công xây dựng, hệ thống lưới điện nói chung và lưới điện trung hạ áp nói riêng đều phải tuân thủ các quy trình, quy định của Nhà nước và ngành điện, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, an toàn trong quản lý vận hành. Ví dụ như khoảng cách đảm bảo kỹ thuật cho lưới trung thế là 80-85 m, hạ thế là 40-50 m, tùy thuộc vào địa hình, địa chất, khoảng vượt....
Các cột điện dù cũ hay mới đều do các công ty chuyên môn thực hiện, được cấp phép, đánh giá, thẩm định chất lượng cũng như tuân thủ quy trình sản xuất kỹ thuật theo quy định của Nhà nước.
Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho biết, việc xây dựng cột, lưới điện hiện nay đều phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Đối với các dự án xây dựng lưới điện, theo quy định, công ty điện lực các địa phương đều phải tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi. Các đơn vị thi công xây dựng tham gia phải gửi hồ sơ kỹ thuật đầy đủ, chi tiết. Khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật thì mới được triển khai thực hiện.
Đơn cử như chỉ riêng hạng mục cột điện bê tông dự ứng lực phải có hồ sơ kỹ thuật chi tiết từ mẫu đá dăm, mẫu cát, mẫu xi măng, mẫu thép; kết quả kéo thép, mẫu nén bê tông... được cơ quan quản lý nhà nước thử nghiệm, chứng nhận…
“Chắc chắn không ai lường hết được sức tàn phá của thiên tại nên việc các cột điện gãy đổ do bão lũ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, về lâu dài ngành điện cần rà soát, tổng kết hệ thống đường dây, cột ở những nơi hay bị thiên tai để nghiên cứu, tính toán, thiết kế xây dựng hệ thống điện phù hợp, đặc biệt là chú ý đến yếu tố kỹ thuật để giảm bớt các thiệt hại cho ngành cũng như cho xã hội…”-ông Ngãi đề xuất.