Dân Việt

Độc đáo mua công nghệ để đuổi... cò

Trần Đáng 21/08/2016 13:30 GMT+7
Với hơn 25.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, ông Nguyễn Tấn Đạt – đại diện Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Tương Lai (Củ Chi) cho biết, nếu không có công nghệ đuổi cò thì vô phương ngăn chặn đàn cò vào ao bắt trộm cá.

Thay vì ngồi chờ trường, viện chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), một số nông dân (ND) ở TP.HCM đã trực tiếp gặp doanh nghiệp để đặt hàng. Phía Hội ND TP.HCM vừa đưa một số doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ phục vụ nông nghiệp trong Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM) trực tiếp đi gặp ND để tìm hiểu nhu cầu này.

Mua công nghệ đuổi… cò

Với hơn 25.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, ông Nguyễn Tấn Đạt – đại diện Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Tương Lai (Củ Chi) cho biết, nếu không có công nghệ đuổi cò thì vô phương ngăn chặn đàn cò vào ao bắt trộm cá. Từ tháng 9 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau, cò xuất hiện rất nhiều quậy phá ao cá.

“Có những đàn cò vài trăm con sà xuống bắt cá trong ao. Chúng tôi cho nhân công xua đuổi nhưng không xuể” - ông Đạt kể.

Ông Nguyễn Tất Vũ – đại diện Công ty CP Nông Hữu Thuận Sinh cho biết, về mặt kỹ thuật công ty có thể sản xuất phần mềm để đuổi cò theo nhu cầu của HTX Thủy sản Tương Lai. “Chúng tôi cần nghiên cứu xem con cò sợ dãy sóng nào, tần số nào để sản xuất con chíp phát sóng thích hợp qua hệ thống loa đặt quanh khu vực nuôi cá” - ông Vũ nói.

img

Đoàn doanh nghiệp đang tìm hiểu nhu cầu trang bị công nghệ cao tại trang trại lan Huyền Thoại (TP.HCM). ảnh: T.Đ

Trong khi đó, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong Trần Quốc Thắng “ao ước” được trang bị hệ thống quản lý tự động cho đàn heo, trước mắt nhằm hạ chi phí nhân công. Hiện, HTX có 5.000 heo nái và khoảng 40.000 heo thịt. “Với hơn 1.000 heo nái thì một công ty chăn nuôi ở châu Âu chỉ cần 3-4 nhân công quản lý, còn HTX của tôi phải cần gấp 10 lần” - ông Thắng cho biết.

 Theo Sở KHCN TP.HCM, đến năm 2020, trong Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho nông nghiệp (KHCN), thành phố sẽ xây dựng khoảng 120 mô hình ứng dụng chuyển giao KHCN có hiệu quả, xây dựng 20 mô hình liên kết ứng dụng KHCN theo chuỗi giá trị hàng hóa, chuyển giao khoảng 150 lượt công nghệ mới...

Về giải pháp cho vấn đề này, ông Trần Kim Vũ – Phó Giám đốc Công ty CP Global Cybersoft cho biết, nếu trang bị hệ thống quản lý chăn nuôi tự động của nước ngoài HTX phải cần đầu tư số tiền rất lớn. “Chúng tôi đã có hệ thống quản lý tự động trong trồng trọt và đang nghiên cứu hệ thống quản lý tự động cho bò. Vì thế, tùy túi tiền của HTX mà doanh nghiệp chúng tôi sẽ thiết kế hệ thống quản lý tự động với mức chi phí hợp lý” - ông Vũ nói.

Vẫn còn độ “chênh”

Theo đại diện một công ty phần mềm, nhu cầu trang bị công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM hiện nay là khá lớn. Tuy nhiên, nhu cầu này chưa được cụ thể hóa nhiều trong thực tế. “Có một độ “chênh” không nhỏ giữa nhu cầu và cụ thể hóa nhu cầu này do ND còn do dự về hiệu quả và một phần do trình độ chưa đủ để nắm bắt công nghệ này” - vị này nhận định.

“Nền nông nghiệp hiện nay còn có “khoảng trống” mà không cần đầu tư lớn cho công nghệ cũng có thể nâng cao giá trị sản xuất thông qua việc sắp xếp hợp lý, sáng tạo trong sản xuất. Công nghệ IT chỉ có giá trị giảm chi phí và nhân rộng sản xuất, nếu chưa đáp ứng mục tiêu này thì chưa nên đầu tư”-ông Nguyễn Bách Khoa – Giám đốc Công ty CP Nông Hữu Thuận Sinh nhận xét.

Có thể nhận thấy việc nông dân TP.HCM không chịu ngồi chờ mà chủ động đặt hàng công nghệ cao với doanh nghiệp sản xuất là tín hiệu mừng cho nền nông nghiệp định hướng công nghệ cao. Theo ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, Hội đang xây dựng chương trình đưa ND tiếp cận những thành tựu công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đô thị của các doanh nghiệp trong Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM), như: Hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao Smart Agri trong trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản (Công ty Global Cyber Soft); phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công nghệ cao vào sản xuất và cung ứng thức ăn thô xanh ủ chua (Công ty Nông Hữu Thuận Sinh) và Chip thông minh ứng dụng trong việc kết nối giữa các thành phần theo nhu cầu của người đặt hàng (Công ty Greenvity Communications)… Nếu có nhu cầu và đủ năng lực tài chính, ND có thể trực tiếp đặt hàng công nghệ cao với doanh nghiệp, hoặc tận dụng chính sách hỗ trợ nông nghiệp của thành phố.

Ông Trần Thu Bích – Trưởng phòng KHCN (Sở KHCN TP.HCM) cho biết, đã yêu cầu Hội ND thành phố lập báo cáo và đề xuất về các mong muốn trang bị công nghệ cao của ND sau chuyến đi để Sở KHCN có căn cứ đề xuất với thành phố có chính sách hỗ trợ ND thực hiện nhu cầu này.