Sơn Kim 2 là xã biên giới nghèo, địa hình chia cắt bởi sông suối, núi đồi, địa bàn rộng, hạ tầng xuống cấp nên hơn 1 năm trước, khi xã đăng ký về đích cuối năm 2016, không ít địa phương tỏ vẻ hoài nghi.
Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Kỷ Vị - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết: Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, trong số 1.308 hộ dân của xã có gần 8% thuộc diện hộ nghèo và 18% là hộ cận nghèo, địa bàn có 23km đường biên giới, 92% diện tích là đất rừng. Tuy nhiên, với lợi thế phát triển cây chè, đặc biệt có chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện về trồng chè nên người dân đã hăng hái tham gia trồng chè công nghiệp theo mô hình liên kết với doanh nghiệp.
Vườn chè thu hàng trăm triệu đồng năm của ông Phan Đình Nhàn. Ảnh: ĐT-HA
Theo ông Vị, so với các vùng khác trong huyện, người dân Sơn Kim 2 có nhiều kinh nghiệm trồng chè công nghiệp nhất, với trên 750 hộ tham gia trồng chè liên kết, chiếm gần 75% dân số toàn xã với tổng diện tích 350ha chè, tập trung chủ yếu ở thôn Làng Chè, Thượng Kim, Quyết Thắng và Hạ Vàng. Tuy nhiên, cây chè cũng chỉ mới cho thu nhập cao khoảng 5 năm lại đây, đặc biệt từ năm 2015 xã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển một phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang trồng chè, nhờ đó thu nhập của các hộ dân đạt từ 40-200 triệu đồng/năm.
Ngoài phát huy nội lực, Sơn Kim 2 còn được bộ đội biên phòng địa phương hỗ trợ tích cực trong xây dựng NTM. Đại tá Võ Trọng Hải - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Riêng xã Sơn Kim 2, đơn vị đã hỗ trợ và điều động thêm 126 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện về “cùng ăn cùng ở” với dân, phối hợp chính quyền địa phương và nhân dân tu sửa, xây dựng mới 4,1km đường liên thôn, liên xã. Bên cạnh đó, các chiến sĩ biên phòng còn triển khai lực lượng, hỗ trợ vật chất xây dựng được 5/8 nhà văn hóa thôn cho xã Sơn Kim 2, mỗi nhà trị giá 200 - 500 triệu đồng. Tổng cộng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng (chưa kể ngày công) cho xã Sơn Kim 2 xây dựng cơ sở hạ tầng”.