Dân Việt

Lộ dấu hiệu sai phạm tại Công ty Vietrans

Hải Phong - Hoàng Thắng 19/08/2016 10:50 GMT+7
4 năm qua, hàng loạt cán bộ, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo có nhiều cống hiến thuộc Công ty CP Giao nhận Kho vận Ngoại thương (Vietrans) gửi đơn tố cáo các dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng tại Vietrans, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. NTNN đã vào cuộc tìm hiểu sự thật.

Bưng bít thông tin?

Cụ thể, trong đơn gửi Báo NTNN và nhiều cơ quan thẩm quyền khác, bà Trần Thị Thanh Thùy vốn là trợ lý của ông Thái Duy Long, đã nghỉ hưu từ năm 2012 cho biết, bà bắt đầu tố cáo những hoạt động sai phạm của ông Long từ năm 2012 với 4 lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương (cơ quan chủ quản của Vietrans). Sau đó tới năm 2013, bà tiếp tục hơn 1 lần nữa gửi đơn lên Bộ này nhưng đa phần đều không nhận được hồi âm (?).

img

Bà Trần Thị Thanh Thùy - trước đây vốn là trợ lý của ông Thái Duy Long (nay đã về hưu) bên tập hồ sơ tố cáo những hoạt động sai phạm của ông Long từ năm 2012. Ảnh: P.T

Trong quá trình chuyển doanh nghiệp từ 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, ông Long không hề thông báo cho CBNV trước về chủ trương cổ phần hóa và các thông tin liên quan mà tự tiện tổ chức cuộc họp biểu quyết phương án cổ phần hóa. Việc làm này là sai”.

Ông Phạm Đào Hiếu

Tháng 7 vừa qua, bà Thùy tiếp tục gửi đơn tố cáo những sai phạm của ông Thái Duy Long với tư cách là cổ đông của Công ty Vietrans. Trao đổi với PV NTNN, bà Thùy giải thích: "Dưới thời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tôi nhiều lần gửi đơn lên Bộ và Thanh tra Bộ Công Thương nhưng đều không nhận được hồi âm hoặc là họ lại chuyển ngược đơn của tôi về cho công ty giải quyết. Trong khi đơn của tôi tố cáo đích danh các sai phạm của ông Tổng giám đốc công ty thì việc chuyển đơn như vậy khác nào để ông Long “vừa đá bóng vừa thổi còi”(?). Nay tôi lại tiếp tục gửi đơn vì hy vọng vị Bộ trưởng mới là ông Trần Tuấn Anh sẽ xử lý dứt điểm những sai phạm của ông Thái Duy Long".

Trong đơn gửi NTNN, bà Thùy tố cáo hàng loạt sai phạm của ông Long: Lợi nhuận hàng năm trước khi công ty tiến hành cổ phần hóa (năm 2012) đều ở mức cao, như năm 2011 là hơn 50 tỷ đồng, năm 2010 cũng xấp xỉ mức này. Nhưng từ khi cổ phần hóa, lợi nhuận của công ty giảm dần, mỗi năm chỉ ở mức vài tỷ đồng. Đặc biệt như năm 2015, công ty báo lãi gần 11 tỷ đồng, nhưng trong số đó đã có hơn 10,8 tỷ đồng là từ tiền bán trụ sở cũ của công ty tại số 23 Tràng Thi (Hà Nội).

Ngoài ra, bà Thùy cũng tố cáo ông Long bưng bít thông tin của công ty. "Gần đây nhất, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 (24.6), ông Long không giải đáp cụ thể các thắc mắc của các cổ đông yêu cầu liên quan tới tình hình tài chính doanh nghiệp, thù lao thành viên Hội đồng thành viên" - bà Thùy nói.

Lương cao chót vót, dùng xe vượt tiêu chuẩn?

img

img

Hai chiếc xe sang được cho là vượt tiêu chuẩn mà ông Long đang sử dụng. Ảnh: P.V

Ngoài bà Thùy, ông Bùi Thế Độ - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietrans, hiện là cổ đông của Vietrans cũng gửi đơn tố cáo ông Long tới Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Báo NTNN, trong đó khẳng định ông Thái Duy Long không minh bạch, công khai trong công tác báo cáo kinh doanh hàng năm của công ty.

Không những thế, ông Độ còn cho rằng, trong khi CBNV thu nhập ngày càng giảm do lợi nhuận của công ty giảm dần qua từng năm thì lương của ông Long vẫn cao chót vót do một lúc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiêuều công ty con và công ty liên doanh, liên kết. "Thu nhập của ông Long cũng không bao giờ công khai trong Đại hội cổ đông dù đây là một nội dung phải có trong báo cáo của đại hội" - ông Độ nói.

NTNN cũng nhận được đơn tố cáo của tập thể nguyên là CBNV Phòng Vận tải quốc tế thuộc Vietrans, hiện vẫn là cổ đông của Vietrans. Ngoài tố cáo sự yếu kém trong điều hành, quản lý công ty của ông Thái Duy Long, nhóm CBNV này còn khẳng định ông Long sử dụng xe ô tô vượt quá tiêu chuẩn. Cụ thể, mình ông Long đã sử dụng 2 chiếc xe Mercedes, một chiếc mang biển số 29U-1819 và một chiếc mang biển số 56N-5231. 

“Trong khi công ty làm ăn thiếu hiệu quả thì mình ông Long sử dụng 2 chiếc xe, vượt quá tiêu chuẩn, gây bức xúc cho CBNV” - ông Phạm Đào Hiếu, một cán bộ từng nhiều năm công tác cho Vietrans cho biết.

Ông Đào Hiếu cho biết thêm: “Trong quá trình chuyển doanh nghiệp từ 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, ông Long không hề thông báo cho CBNV trước về chủ trương cổ phần hóa và các thông tin liên quan mà tự tiện tổ chức cuộc họp biểu quyết phương án cổ phần hóa. Việc làm này là sai”.