Giữa năm 2015, anh Trần Quý Hòa ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) bắt đầu bén duyên nghề nuôi thỏ. Đàn thỏ ban đầu chỉ 20 con, đến nay đã phát triển hơn 100 con thỏ mẹ. Anh Hòa cho hay, một năm thỏ mẹ đẻ 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Sau khoảng từ 2,5 - 3 tháng nuôi, thỏ đạt khoảng 2,5 - 3 kg một con. Anh xuất bán thỏ giống 150.000 đồng một kg, thỏ thịt 85.000 đồng, bình quân mỗi tháng anh thu lãi 30 triệu đồng.
Anh Hòa chia sẻ, chi phí đầu tư nuôi thỏ không cao, chuồng nuôi khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt, song phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Tuy nhiên, để nuôi thành công cũng không đơn giản. Bởi thỏ là loại động vật rất dễ bị nhiễm bệnh, nguy hiểm nhất là bệnh bại huyết (xuất huyết đường ruột). Khi mắc bệnh này, thỏ chết rất nhanh. Phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng.
Nuôi thỏ không tốn nhiều chi phí nhưng khó khăn ở khâu phòng dịch bệnh, nếu vượt qua thử thách này có thể lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho quy mô đầu tư 100 thỏ mẹ.
Đối với thỏ thương phẩm nuôi từ lúc đẻ đến xuất bán trong thời gian 3 tháng. Đồng thời, muốn có thỏ thương phẩm xuất bán gối đầu hằng tháng, cần bố trí tỷ lệ cho thỏ mẹ đẻ hợp lý, giãn cách nhau, tránh tình trạng nuôi dồn vào một thời điểm, vừa khó chăm sóc, vừa khó tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ngoài chế độ dinh dưỡng còn phải chú ý tới công tác vệ sinh chuồng trại phòng một số bệnh thường gặp như ghẻ, nấm. Nếu để mắc bệnh không những thỏ chậm phát triển còn lây lan ảnh hưởng đến đàn. Đồng thời, phải theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của thỏ bằng cách ghi nhật ký về ngày thỏ mẹ mang thai, ngày sinh, ngày tách đàn, quá trình sinh trưởng.
Để bảo đảm ổn định đầu ra, ngoài kênh phân phối riêng, anh Hòa còn tham gia HTX Việt Nhật. Hàng tháng anh Hòa xuất bán cho Công ty Nipponzoky từ 140 - 150 con thỏ thương phẩm, trọng lượng bình quân 2,3 kg mỗi con, với giá bán ổn định khoảng 80 nghìn đồng một kg.