Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (từ trái qua phải). Ông Kim Jong-un (ngoài cùng bên phải) được cho là đang một tay thao túng quan hệ Trung - Mỹ. Ảnh minh họa.
Cụ thể, Giáo sư Stephan Haggard, Giám đốc Chương trình Hàn Quốc-Thái Bình Dương của ĐH California San Diego (Mỹ) nhận định trên tờ South China Morning Post rằng, các quan hệ khu vực, vốn đã luôn căng thẳng và mong manh, gần đây đã đặc biệt leo thang và trở nên "căng như dây đàn" sau khi Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Chính quyền Mỹ và Hàn Quốc đã tuyên bố, việc triển khai THAAD là điều hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo thời gian qua đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của Hàn Quốc cũng như toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tương tự như hệ thống chống tên lửa Patriot, THAAD được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo đang trong giai đoạn cuối của hành trình. Tuy nhiên, nó được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu ở tầm cao, tạo cho hệ thống này khả năng phòng thủ lớn hơn.
Do đó, động thái của Mỹ và Hàn Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của không chỉ Triều Tiên mà còn cả Trung Quốc vì Bắc Kinh quan ngại THAAD có thể xác định vị trí và ngăn chặn cả các tên lửa bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên.
Theo đó, Bắc Kinh gay gắt cáo buộc, việc triển khai THAAD gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Trung Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)
Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc mới đây cũng vừa khởi động cuộc tập trận quân sự chung trên bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của 25.000 lính Mỹ được gọi là Người bảo vệ tự do Ulchi. Cuộc tập trận chung dự kiến kéo dài tới 2.9 và lần đầu tiên các hệ thống GPS cũng như các máy bay quân sự sẽ được triển khai trong sự kiện này.
Theo Reuters, phía Mỹ và Hàn Quốc đã thông báo với quân đội Triều Tiên rằng, cuộc tập trận chung không nhằm mục đích khiêu khích.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng lâu nay vốn xem các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược, vẫn đe dọa sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu nếu Washington và Seoul không chấm dứt tập trận.
Binh sĩ Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung với Mỹ.
Theo ông Haggard, cả kế hoạch triển khai THAAD lẫn cuộc tập trận chung Mỹ, Hàn đều được đưa ra trong bối cảnh Washington và Seoul ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với Trung Quốc trong nỗ lực kiềm chế các động thái khiêu khích, gây hấn từ Triều Tiên.
Trung Quốc bị chỉ trích rằng, họ đã nhất trí ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên hồi đầu năm nay nhưng lại chần chừ, trì hoãn trong việc thực hiện điều đó.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc ngày càng quan ngại, với sự gia tăng của các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giáo sư Stephan Haggard, Giám đốc Chương trình Hàn Quốc-Thái Bình Dương của ĐH California San Diego (Mỹ)
Bình luận về những động thái gây bất ổn của Triều Tiên, ông Haggard cho rằng: "Những gì đang diễn ra thực sự là một trò chơi chính trị thâm hiểm. Bằng cách khiêu khích Mỹ và Hàn Quốc, một cách hiệu quả, Triều Tiên đang thọc mũi giáo vào (quan hệ) giữa Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Đó thực sự là trò chơi ngoại giao khôn ngoan mà ông Kim Jong-un đang một tay thao túng ".
Theo giáo sư Haggard, ông Kim Jong-un đang điều khiển "trò chơi khôn ngoan" nhằm thổi bùng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, do đó, triển vọng cải thiện môi trường địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên rất mờ mịt.