Dân Việt

Chuyện nhà tù nhồi nhét khủng khiếp nhất Philippines

Quang Minh - CNN 23/08/2016 00:25 GMT+7
Nhà tù khét tiếng nhất Philippines thực sự là “địa ngục trần gian” khi 4.000 tù nhân nhồi nhét vào không gian chỉ đủ rộng cho 800 người.

img

Phạm nhân nhà tù Quezon City mặc áo vàng.

Tại khu vực Quezon City ở thành phố Manila, Philippines, bên cạnh thư viện nghèo nàn và một đồn cảnh sát nhỏ bé, nhà tù khét tiếng nhất đất nước nằm yên ắng một góc.

Cách trung tâm Manila vài chục phút lái xe, nhà tù Quezon City chỉ rộng chừng 2.700 m2. Tuy nhiên, số tù nhân ở đây lên tới 4.000 người và gấp 5 lần công suất thiết kế ban đầu.  Đây là nhà tù có số tù nhân đông đảo nhất Philippines.

Giám thị nhà tù Quezon City cho biết nơi đây luôn đông đúc và số tù nhân đang tăng lên đột biến. Khi chiến dịch chống tội phạm ma túy của tân Tổng thống Rodrigo Duterte được thực hiện, số phạm nhân vào nhà tù này tăng chóng mặt.

img

Phạm nhân nằm chen chúc trên sàn bê tông.

Điều kiện sinh hoạt ở đây mới thực sự đáng sợ. Tù nhân mặc áo vàng, ngồi hoặc chèn lên nhau ở bất kì khoảng không nào có thể. 60% tù nhân tại đây dính líu tới buôn bán ma túy và phải chen chúc nhau giữa không gian ngột ngạt, bí bách của khí hậu nhiệt đới Philippines.

Chỉ trong 7 tuần kể từ khi ông Duterte nhậm chức, con số tù nhân tăng vọt từ 3.600 người lên 4.053 người. Nhà tù Quezon City xây dựng từ năm 1953, thiết kế dành cho 800 phạm nhân. Liên Hiệp Quốc cho rằng nhà tù này không nên giam giữ quá 278 người.

Cảnh sát trưởng thành phố ông Dela Rosa trả lời CNN rằng tội phạm vào tù phải chen chúc, nhồi nhét khổ sở. Họ bị gọi dậy lúc 5 giờ sáng và điểm danh ngay sau đó. Dela nói rằng việc kiểm đếm 4.000 phạm nhân trong gian phòng chật chội là điều không dễ dàng chút nào.

“Ở đây an toàn hơn ngoài đường”

img

Nhiều người phải chui dưới gầm giường tầng để ngủ.

Alex Beltran, một công nhân thời vụ 29 tuổi, từng ngồi tù một tháng, chỉ trích ông Duterte vì cuộc chiến chống ma túy quá mức của ông. “Thức ăn trong này quá khủng khiếp”, Beltran nói. “Lúc trời mưa thì chẳng có chỗ mà ngủ”.

Cuộc sống bên trong nhà tù theo lời Beltran là “cực kì khắc nghiệt cho những người mới”. Tù nhân Romeo Payhoi, 38 tuổi vừa mới tới đây nói rằng mọi thứ không đáng sợ như tưởng tượng nhưng luôn bị nhồi nhét và thiếu khoảng không.

Romeo nói rằng trong tù “an toàn hơn ở ngoài” và trên phố “cảnh sát có thể bắn chết bất kì lúc nào”.

Hầu hết những phạm nhân trong nhà tù Quezon City có liên hệ với các băng đảng, trong đó đáng kể nhất là băng Sique-sique Sputnik (935 thành viên), Commando (386 thành viên), Bahala Na (874 thành viên) và Batang City (740 thành viên). Khoảng ¼ số tù nhân không liên hệ với bất kì băng nhóm xã hội đen nào.

img

Phần lớn tù nhân trong trại giam là thành viên các băng đảng.

Những băng nhóm này thống trị nhà tù và mỗi nhóm đều có quy tắc buộc thành viên phải tuân thủ. Bích họa đầy màu sắc trên tường khẳng định lãnh thổ và giám thị cho biết các băng này đã thỏa thuận để không đánh lộn lẫn nhau.

Một số tù nhân tội nhẹ có thể ra tù bằng cách nộp tiền bảo lãnh, khoảng từ 4.000 đến 6.000 peso (từ 1,7 triệu tới 2,4 triệu), tuy nhiên họ không đủ tiền trang trải. Theo lời một sĩ quan cảnh sát cấp cao, cuộc chiến chống ma túy diễn ra quá nhanh và gấp gáp khiến họ không có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất trong tù. Chính điều này khiến tình trạng chật chội càng gia tăng.

Bên ngoài nhà tù Quezon City, ít nhất 700 người thân đang kiên nhẫn đứng đợi để gặp mặt chồng, anh em mình trong tù. Họ có thể phải đợi tới vài tiếng đồng hồ trước khi được “nhồi vịt” vào bên trong. Giám thị cho biết không hề có phòng đợi đúng nghĩa. Tù nhân và thân nhân “trộn lẫn” vào nhau.

Giám thị Douguiles nói rằng trước khi vào tù, khách thăm được kiểm tra kĩ càng nhằm tránh tình trạng tuồn hàng lậu vào trong. Tuy nhiên, những chất cấm hay vũ khí nguy hiểm vẫn có cách để “chui lọt”. Ở Philippines, loại chất cấm được ưa chuộng nhất là ma túy đá.

Giường ngủ cao 3 m

img

Giường tầng ọp ẹp có thể cao tới 3m.

Phòng ở của phạm nhân được người Philippines gọi là “khu tập thể”. Tại đây, tù nhân phải tự tìm chỗ ngủ. Khăn tắm, vải rèm sờn rách hay tấm bìa carton sẽ che chắn “khoảng riêng tư” giữa các phạm nhân, tuy nhiên sự bất tiện là không tránh khỏi trong không gian quá chật hẹp.

Trong một căn phòng rộng 20 m2 có tới 85 phạm nhân. Một phòng khác kích cỡ tương tự lên tới 131 người. Theo thiết kế, mỗi phòng 20 m2 chỉ chứa tối đa 30 người.

Giường tầng được xếp cao ít nhất 3m và phạm nhân bò trườn dưới những bộ khung sắt han rỉ, ọp ẹp nhằm tìm chỗ ngủ qua ngày. Có người may mắn được ngủ trên chiếc võng mắc trên trần nhà.

Chờ đợi vô vọng

img

Ngày ra trại với những phạm nhân này vẫn còn rất xa vời.

Ameena-Tara Jance mỗi tuần tới thăm chồng 6 lần. Chồng cô đã ở đây 6 năm và vẫn tiếp tục thụ án. Trước đây, chồng Ameena-Tara bị đột quỵ nhưng nhiều người khác không may mắn như thế đã qua đời do sốc nhiệt vì cái nóng khủng khiếp trong tù. Chồng cô sẽ hầu tòa một lần nữa vào tháng 10 tới đây nhưng cả hai biết rằng hy vọng là rất ít ỏi. Ameena-Tara nói: “Chẳng có công lý gì cả”.

Trưởng phòng dãy tầng 2, Ramon Go chịu trách nhiệm sắp xếp, giám sát khoảng 900 tù nhân. Ramon đã ở tù 16 năm. Ramon chịu án sau khi bắn chết một cảnh sát địa phương. Cách đây hơn 2 năm, Ramon từng đệ đơn lên tòa xin giảm án và ân xá, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy phán quyết nào xuất hiện.

img

Tù nhân tập thể dục trong sân trại.

Với con số hàng ngàn phạm nhân bị bắt giữ từ tháng 6 tới nay do dính líu tới ma túy, số lượng tù nhân sẽ còn tăng lên chóng mặt. Những người này không biết bao giờ mới thấy được tự do. Vậy nên mỗi ngày họ chờ đợi, theo dõi những tù nhân khác nhét vào trại và cố hết sức tận dụng khoảng không chật hẹp để sống leo lét trong tù.