Dân Việt

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và sẽ cổ phần hóa Agribank

Trần Giang 23/08/2016 06:00 GMT+7
Một trong những nội dung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 là tiếp tục triển khai cổ phần hóa các NHTM cổ phần Nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số NHTM cổ phần về mức trên 65% và thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến. Trong dự thảo này có nhắc đến việc sẽ cổ phần hoá Agribank.

 Agribank hiện là ngân hàng quốc doanh lớn nhất về tổng tài sản, nhân sự, mạng lưới. Báo cáo kết quả kinh doanh của Agribank năm 2015, đến ngày 31.12.2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt 804.259 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 13%. Cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển động theo hướng tích cực, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 71%. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank ở mức 2,01%, thu dịch vụ tăng 14,6%/năm, lợi nhuận năm 2015 đạt 3.700 tỷ đồng…

Agribank đạt được thành tựu này nhờ cuộc tái cơ cấu toàn diện ngân hàng này hồi tháng 10.2014. 

imgBộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ý kiến cổ phần hoá Agribank

Ngoài nội dung trên, dự thảo này còn nhắc đến quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. Đặc biệt sẽ áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD.

Cũng theo dự thảo, đến năm 2020 sẽ hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các TCTD, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính với 3 mục tiêu: Tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém; Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; Đảm bảo 70% số NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020.

Dự thảo cũng đề cập đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng. Theo đó, là bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về về cơ cấu lại các TCTD, xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của TCTD.

Ngoài ra, thực hiện cấp phép thận trọng, linh hoạt đối với việc thành lập mới NHTM; Tiếp tục sử dụng cấp phép cho các TCTD như là công cụ hữu hiệu trong cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các TCTD; Nới lỏng quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD và các giới hạn sở hữu vốn điều lệ của thành viên góp vốn, cổ đông tại Việt Nam.

Dự án cũng đặt mục tiêu sửa đổi đồng loạt các Luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Đề án cũng yêu cầu về việc đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại, trong đó chú trọng nâng cao hiệu của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

“70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020. Tăng cường năng lực tài chính của các TCTD, bảo đảm các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II”, đề án viết.

Ngoài ra, đề án cũng triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của TCTD và vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Kiên quyết xử lý các TCTD, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn.