Nhật Bản
Giáo dục tiểu học ở Nhật Bản thay vì tập trung cho trẻ những kiến thúc trong sách vở mà chủ yếu hướng tới đạo đức và trách nhiệm của trẻ em, học cách để làm một công dân tốt. Nhật Bản không muốn những đứa trẻ trở thành học giả sau khi học tiểu học, họ chỉ muốn chắc chắn rằng những đứa trẻ đó sẽ sống có đạo đức và cống hiến cho đất nước.
Nhật Bản quan trọng nhất việc dạy đạo đức cho học sinh tiểu học. Ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, giáo dục tiểu học Nhật Bản cũng sớm dạy cho trẻ tính tự lập, khi coi học sinh là trung tâm của việc giảng dạy. Quá trình giảng dạy sẽ cho học sinh trải nghiệm, khám phá kiến thức chứ không phải nhồi nhét. Sự phản biện, sáng tạo được chú trọng ngay từ đầu. Đó là lý do tại sao người Nhật là dân tộc có nhiều bằng sáng chế hàng đầu thế giới.
Phần Lan
Giáo dục tiểu học ở Phần Lan hướng đến sự công bằng. Họ tạo rất ít áp lực học tập cho học sinh, không thúc đẩy để các em trở thành người giỏi nhất, mà chỉ muốn trẻ tiếp cận giáo dục theo cách riêng của từng em.
Bạn sẽ thấy trẻ em ở Phần Lan đi học muộn hơn hầu hết các nước khác và có rất nhiều hoạt động chân tay trong lớp học như vẽ, chơi nhạc, nặn đất sét. Sự hợp tác, làm việc nhóm cũng được đề cao khi học tập chứ không phải là sự cạnh tranh. Cách giáo dục này sẽ giúp trẻ em yêu thích học tập hơn, thay vì áp lực thi cử và điểm số.
Trẻ em Phần Lan được dạy về tính công bằng và sự hợp tác. Ảnh: Internet.
Singapore
Giáo dục tiểu học ở Singapore có 2 điểm đặc biệt, đó là tập trung một đội ngũ giáo viên cực xuất sắc và đầu tư nhiều vào ngôn ngữ. Tuyển dụng giáo viên tiểu học ở đây rất khắt khe, khi các giáo viên trẻ phải đứng top 3 những trường đại học mới có cơ hội. Ngoài ra, giáo viên cũng thường xuyên phải trau dồi kiến thức để vượt qua nhiều bài kiểm tra khi công tác.
Những trẻ em ở Singapore được học chữ rất sớm và học thêm ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Mỗi đứa trẻ Singapore đều nói được cả tiếng Anh và tiếng Hoa, số khác còn biết thêm nhiều thứ tiếng khác. Một đặc điểm nữa là Singapore không dạy trẻ học vẹt, đồng thời bắt buộc học 2 môn đạo đức và giáo dục công dân.
New Zealand
New Zealand dạy học sinh tiểu học sớm tiếp cận với Internet. Từ khi còn nhỏ tuổi, các em đã trao đổi bài vở qua mạng; đăng tải các bài viết, những hình vẽ đơn giản để giáo viên chấm điểm. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn viết blog để bày tỏ ý kiến cá nhân về các vấn đề trong cuộc sống. Chính vì vậy, học sinh New Zealand giỏi về công nghệ và biết tự tin nói lên quan điểm của mình.
Giáo dục Mỹ đề cao sự tự do và tôn trọng tự do người khác. Ảnh: Internet.
Mỹ
Chương trình giáo dục tiểu học ở Mỹ đề cao sự tự do và tôn trọng tự do người khác. Trẻ em được khuyến khích đưa ra suy nghĩ, đặt câu hỏi, phát hiện, tìm tòi nhưng vẫn phải tôn trọng quan điểm, ý kiến người khác. Các giáo viên nhắc nhở học sinh có thể thích gì hoặc không thích điều gì, nhưng không được ép người khác phải theo ý thích của mình.
Đức
Những lớp học ở Đức không có các “chức” như lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng. Chỉ có một học sinh đứng ra để liên lạc giữa thầy cô và cả lớp. Đó là sự bình đẳng mà người Đức luôn hướng tới.
Kiến thức luôn thay đổi nhanh hơn những gì mà sách giáo khoa kịp xuất bản, do đó người Đức hướng tới trải nghiệm thực tế cho trẻ và không chú trọng nhiều đến nội dung trong sách vở.