Theo Science Daily, Roi Granot, tiến sĩ tại khoa địa chất môi trường thuộc Đại học Ben-Gurion ở Negev (BGU), Israel, xác định vùng biển phía đông Địa Trung Hải chứa lớp vỏ đại dương cổ nhất thế giới. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience hôm 15.8.
Nhiều đặc điển kiến tạo cơ bản ở phía đông Địa Trung Hải cho đến nay vẫn là điều bí ẩn do lớp trầm tích tại đây khá dày (10 - 15 km) và thiếu dữ liệu dị thường từ tính. Nhóm nghiên cứu sử dụng thiết bị cảm ứng để khảo sát từ trường khu vực biển kéo dài 7.000 km ngang qua lòng chảo đại dương Herodotus và Levant, phía đông Địa Trung Hải. Họ muốn tìm hiểu bản chất và độ tuổi của lớp vỏ Trái Đất nằm bên dưới.
Lớp vỏ đại dương lâu đời nhất thế giới ở phía đông biển Địa Trung Hải. Ảnh: Jason Thomson.
Dữ liệu thu được cho thấy, các tảng đá tại lòng chảo Herodotus có nét đặc trưng là xuất hiện "vệt từ tính". Đây là dấu hiệu lớp vỏ đại dương hình thành ở sống núi giữa đại dương. Khi magma tại sống núi giữa đại dương nguội đi, quá trình nhiễm từ và định hướng của khoáng vật trong đá bị định hướng bởi từ trường Trái Đất.
"Những thay đổi định hướng từ trường theo thời gian được ghi lại ở đáy đại dương, cung cấp cái nhìn về sự hình thành của lớp vỏ Trái Đất, làm sáng tỏ cấu trúc kiến tạo địa tầng và các quá trình địa động lực trong khu vực", Granot cho biết.
Bằng cách xác định độ lệch của vệt từ tính, Granot chỉ ra rằng lớp vỏ đại dương ở lòng chảo Herodotus có độ tuổi khoảng 340 triệu năm. Lớp vỏ đại dương thông thường quay trở lại lớp manti của Trái Đất tương đối nhanh ở các đới hút chìm do có mật độ cao. Do đó, hầu hết lớp vỏ đại dương ít hơn 200 triệu năm tuổi.
"Với các dữ liệu địa vật lý mới, chúng tôi tạo ra bước tiến lớn trong việc tìm hiểu địa chất khu vực nghiên cứu", Granot nói.
Theo Granot, lớp vỏ đại dương tại lòng chảo Herodotus nhiều khả năng là những gì còn sót lại của đại dương Tethys cổ đại nằm giữa hai siêu lục địa Gondwana và Laurasia trong Đại Trung sinh, trước khi hình thành Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.