Dân Việt

Mong con làm bác sĩ, phụ huynh gian nan bày chiến lược

Diệu Thu 24/08/2016 02:55 GMT+7
Mặc dù trường Đại học Y Hà Nội đang ế thí sinh nhưng câu chuyện tính toán cho con vào trường Y của các bậc phụ huynh vẫn rất gian nan.

img

Thí sinh nộp hồ sơ vào Đại học Y Hà Nội ngày 23/8.

Phụ huynh ngồi thâu đêm nghiên cứu

Có mặt tại Đại học Y Hà Nội ngày 23/8, nhiều phụ huynh cho rằng, đối với những trường ĐH top trên, đợt xét tuyển bổ sung lần này là cơ hội cuối của thí sinh. Bởi vậy, trong lần nộp hồ sơ nguyện vọng 2 này, phần lớn là phụ huynh đến trường nộp hồ sơ thay con hoặc phụ huynh trực tiếp đưa con đi để cùng con tính toán lựa chọn ngành học.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở Nam Định cho biết, chị đã phải tính toán rất kĩ lưỡng trước khi nộp hồ sơ cho con vào ngành Y Đa khoa trong đợt xét tuyển bổ sung.

“Tôi phải nghe ngóng thông tin từ năm ngoái đến bây giờ. Tôi thấy cơ chế thi năm nay thay đổi nên chiến lược cho con học cũng phải thay đổi”, chị Hằng nói.

Cũng theo chị Hằng, dù thời điểm này chị chưa thể nói con chị đỗ hay không, nhưng chị đã tính toán rất kĩ càng: “Trước hết tôi căn cứ vào quy chế thi của Bộ GD-ĐT, khi Bộ ra quy chế khác với năm ngoái, tức là năm ngoái anh biết điểm khi thấy không đỗ thì anh có thể rút hồ sơ ra và nộp hồ sơ vào nhưng năm nay khác là nộp hồ sơ và điểm số mà không biết điểm của anh sẽ đỗ vào đâu. Như vậy có thể xảy ra khả năng điểm cao vẫn trượt hoặc nếu tính toán tốt thì anh nộp vào một trường cao, một trường thấp thì khả năng đỗ rất cao".

“Niềm ao ước của cả gia đình là cháu sẽ học ngành Y Đa khoa, nên khi cháu nộp hồ sơ vào các trường Y là tôi đã phải suy nghĩ và tính toán rất kĩ vì số điểm 24.5 của con mình so với trường Y là thuộc vào mức không cao. Thế thì muốn xác định cho con mình vào trường nào với số điểm này? Lúc đó tôi cũng phải xem toàn bộ điểm của hệ thống trường Y toàn quốc, thực tế vô cùng là vất vả”, chị Hằng nói thêm.

Đối với chị Hằng, việc tính toán cho con vào được đúng trường mong muốn và ngành con yêu thích là cả một quá trình vất vả. Chị phải ngồi thâu đêm để nghiên cứu. Khi các trường Y trên cả nước có danh sách, chị tính đi tính lại, từ y Thái nguyên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội… Cách tính của chị là chị ngồi xem điểm từng trường. “Mình nghiên cứu từng trường thấy ngành nào trong hệ thống các trường Y lấy điểm từ 27 trở lên thì mình phải đếm và tính từng chi tiết một", chị Hằng chia sẻ.

Còn theo tính toán của anh Trần Văn Lượng ở Phú Xuyên (Hà Nội), đợt xét tuyển hồ sơ đầu tiên của các trường ĐH, lượng hồ sơ nộp vào các trường rất cao vì hồ sơ ảo nhiều. 26 điểm trường này lại là 26 điểm của trường kia, rồi lại đến một loạt các trường khác cũng lấy điểm như thế…

“Thực tế sau khi nhận kết quả trong đợt xét tuyển đầu tiên tôi cũng rất buồn, nguyện vọng của con và gia đình là vào trường y, thế nhưng điểm số 24 của cháu không đạt. Tôi nghĩ có thể cháu phải đợi đến năm sau chứ không chọn trường khác. Khi thấy trường ĐH Y Hà Nội có đợt xét tuyển bổ sung, thực sự gia đình rất mừng. Vì thế từ ngày 21/8, gia đình tôi cứ tính toán, so sánh, nhờ tư vấn… đến hôm nay mới quyết định nộp hồ sơ vào ngành nào để cho chắc chắn”, anh Lượng cho hay.

Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Tường ở Nam Định, câu chuyện tính toán cho con vào trường Y cũng là cả một quá trình gian nan. Anh cho biết, ngày 19/8 là ngày biết chính xác con mình đỗ hay không.

“Khi tôi biết con không đỗ nguyện vọng 1, thực sự tôi rất cân nhắc, lo rằng nếu tính toán sai thì con mình sẽ lỡ cơ hội thứ 2. Vì vậy trong những ngày vừa qua tôi rất đau đầu. Sau khi tính toán và nghe tư vấn từ nhiều phía, cuối cùng tôi đã tư vấn cho con vào ngành Điều dưỡng. Ngành này không đông thí sinh như ngành Y Đa khoa nhưng lại dễ xin việc sau khi ra trường”.

Trường ĐH Y HN mới đạt hơn 70% chỉ tiêu

Đến thời điểm này, số thí sinh xác nhận vào Trường ĐH Y Hà Nội chỉ đạt 71% chỉ tiêu toàn trường. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử trường này ế thí sinh nộp hồ sơ.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường  cho biết, do thiếu thông tin về lượng hồ sơ, nên các trường y-dược “ế ẩm” thí sinh.

“Việc thông tin thiếu sẽ là quá mạo hiểm để đăng ký vào dù có các em rất muốn. Thông tin phải công bố để thí sinh chọn lựa, biết nên nộp vào đâu thì “có cửa”. Giống như khi đầu tư vào đâu thì phải có đầy đủ thông tin thì đầu tư mới chuẩn được", ông Hinh nói.

Ông Hinh cho rằng khi mà số chỉ tiêu y- dược vẫn ở mức độ chưa đột biến, riêng Trường ĐH Y Hà Nội số chỉ tiêu gần như không thay đổi trong suốt 10 năm nay, việc xảy ra “đột biến” chỉ có thể do hệ thống chứ không thể từ phía người học.

Đối với trường Đại học Y Hà Nội, xét tuyển bổ sung thí sinh sẽ được xét tuyển trong nhiều đợt. Hạn cuối cùng của đợt xét tuyển bổ sung là 20/10. Mỗi đợt sẽ diễn ra trong 10 ngày. Mỗi thí sinh được xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường 2 ngành đào tạo.

Đợt 1 bắt đầu từ 21 đến 31/8. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4/9. Thí sinh nộp giấy thông báo kết quả thi đến hết ngày 9/9 (tính theo dấu bưu điện nếu thí sinh nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Đợt 2: trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23/9. Thí sinh nộp giấy kết quả thi đến hết ngày 28/9..