Dự án dây chuyền cán thép vì lò, thép hình U,I,L đặc chủng phục vụ khai thác than hầm lò có tổng trị giá 174 tỷ đồng, do Công ty cổ phần chế tạo máy làm chủ đầu tư. Dự án được Liên doanh nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Duyên Thế Kỷ Việt Nam và Công ty Lilama 3 thi công xây dựng trong khu nhà xưởng của Công ty cổ phần chế tạo máy ở phường Trần Phú, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Dây chuyền cán thép trăm tỷ đáng bị rỉ sét tấn công |
Dây chuyền sản xuất cán thép vì lò được lắp đặt theo công nghệ cán gia công kim loại bằng áp lực ở trạng thái nóng nhằm đạt được kích thước và hình dạng theo nhu cầu sản xuất trong ngành than. Với công suất từ 80.000 -100.000 tấn thép/năm, khi đi vào hoạt động dây chuyền sản xuất này sẽ cung cấp vì lò bằng thép chất lượng cao, an toàn cho các đơn vị khai thác hầm lò của Vinacomin và đáp ứng một phần cho nhu cầu ngoài thị trường.
Dự án chính thức được khởi công từ năm 2008, theo tính toán đơn vị thi công thì sau khoảng 10 tháng lắp đặt là có thể đi vào hoạt động. Nhưng đã vượt quá 3 năm các hạng mục của dây chuyền cán thép này vẫn còn dang dở.
Có mặt tại nhà xưởng của Công ty cổ phần chế tạo máy, phóng viên quan sát thấy mặt bằng xưởng bị cày xới, nhiều thiết bị chưa lắp đặt bụi bẩn phủ lên để ngồn ngang. Khu vực dây chuyền cán thép các thiết bị như khung giá cán, các trục cán, hộp bánh răng, hộp tốc độ, khớp nối, khung giá cán, hệ thống máy biến áp cung cấp nguồn điện cho sản xuất… đã được lắp đang bị rỉ sét tấn công phá hỏng lớp vỏ bên ngoài.
Nguyên nhân dự án chậm tiến độ được ông Tăng Bá Khang, Phó Giám đốc Công ty CP chế tạo máy lý giải là do phải thay đổi phương án thi công lúc đầu do quá trình thi công nhà thầu gặp phải công trình ngầm (từ thời Liên Xô) phải cải tạo lại. Ngoài ra, việc nhà thầu cung cấp thiết bị không đồng bộ chủ yếu nhập của Trung Quốc phải thay đổi dẫn đến trượt giá nên mất nhiều thời gian. Theo ông Khang tính đến thời điểm nay, dự án cơ bản lắp đặt xong phần thiết bị và đang trong quá trình hiệu chỉnh hệ thống điện, nước. Dự án đã được giải ngân 120/174 tỷ, khoảng 80 % tổng giá trị dự án.
Được biết, nếu đưa dây chuyền cán thép này đi vào sản xuất đúng tiến độ thì từ năm thứ 3 trở đi có lãi gần 3% trở lên. Như vậy, tính thêm tiền phải trả lãi suất trong 3 năm qua Công ty cổ phần chế tạo máy đã để phí mất hàng chục tỷ của ngành than.
Hoàng Anh Tuấn