Dân Việt

Sau bão 5 ngày, người Hà Nội vẫn phải “di cư” vì ngập

Triệu Quang 24/08/2016 19:25 GMT+7
Nhà ngập sâu, mất điện, mất nước... khiến nhiều người dân ở Thủ đô phải khóa cửa, đi ở nhà người thân.

img

Ngõ 124 Âu Cơ thuộc cụm 5, tổ 36 (phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) bị ngập nghiêm trọng từ sau cơn bão số 3 cách đây 5 ngày.

Sau những cơn mưa như trút nước của bão số 3 –Thần Sét từ hôm 19/8, mọi hoạt động của người dân ở con ngõ 124 đường Âu Cơ (phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) dường như tê liệt. Đường đi lối lại bỗng chốc biến thành ao tù, rác thải nổi lềnh phềnh khắp nơi tràn cả vào nhà người dân…

Ngày 24/8, tức 5 ngày sau bão số 3, phóng viên ghi nhận tại con ngõ, nước vẫn ngập rất sâu. Dòng nước đen ngòm, mùi xú uế bốc lên khá nồng nặc. Nhiều nhà người dân đã phải khóa trái cửa, di chuyển sang nhà người thân ở nhà vì mất nước, mất điện.

Một tay xách quần, một tay xách những túi trứng, bà Đàm Thu Hồng (cụm 5, tổ 36 phường Tứ Liên) cho biết, bà đang phải di chuyển sang nhà người thân ở đường An Dương Vương để ở nhờ vì tầng 1 nhà bà bị ngập khoảng 50cm đã 5 ngày.

“Gia đình tôi có 4 người nhưng đều phải đi sơ tán cả. Nước mưa, nước thải tràn vào trong nhà bốc mùi hôi thối, nước bể ngầm cũng bị ô nhiễm, mất điện, mất nước… không thể ở nổi”, bà Hồng chia sẻ.

Gia đình bà Vũ Tuyết Lan (58 tuổi, số 9 ngách 45, ngõ 124 Âu Cơ) là một trong những gia đình bị ngập nặng nhất. Hiện trong nhà bà Lan nước vẫn ngập quá đầu gối. Mọi đồ đạc trong nhà như giường, tủ, bàn ghế, bếp…phải kê lên cao.

“Hai vợ chồng tôi già rồi chẳng đi đâu được đành phải ở lại đây. Bếp không có nên phải đi mua cơm hộp về ăn. Tắm hoặc đi vệ sinh thì phải đi nhờ những nhà ở đầu ngõ không bị ngập. Nước bẩn khiến muỗi xuất hiện rất nhiều, mỗi tối nhà tôi vợt được cả vốc muỗi”, bà Lan nói.

img

Người dân cho biết, trước đó do ảnh hưởng của những cơn mưa, con ngõ đã bị ngập nhẹ nhưng đến hôm 19/8 cơn bão số 3 đổ bộ Hà Nội thì nước được bồi thêm khiến nước tràn vào nhà người dân.

Theo người dân nơi đây, tình trạng ngập úng xuất hiện từ khoảng năm 2014 sau khi trường mầm non Tứ Liên xây dựng. Trong quá trình xây dựng, công trình đã làm vỡ cống và vùi lấp đường thoát nước của cả ngõ khiến mỗi lần mưa là ngập, nước thoát rất chậm.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thủy- Phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, đường ống nước thải của 4 tổ dân phố trong ngõ 124 Âu Cơ dù đã được cống hóa nhưng mới chỉ kéo dài khoảng 200m và đi ngầm dưới nền của trường mầm non Tứ Liên. Khả năng cống ngầm đã bị bùn đất ứ đọng khiến nước không thoát được.

“Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND quận Tây Hồ, Xí nghiệp thoát nước số 1 để được giải quyết. Tuy nhiên để khắc phục triệt để thì cần nạo vét, kè bê tông hoặc cống hóa toàn bộ phần hạ lưu của mương nước thải đầm cụm 5 ở phía hạ lưu thì người dân mới thoát cảnh ngập lụt. Việc này tốn kém hàng chục tỷ đồng nên chúng tôi vẫn đang phải chờ ý kiến từ cấp trên", ông Thủy nói.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại ngõ 124 Âu Cơ chiều 24/8:

img

Nước kéo theo những nước thải, rác rưởi nổi lênh láng trên mặt đường, bốc mùi xú uế nồng nặc.

img

Nhiều ngôi nhà bị nước tràn vào ngập chừng 50cm, bể ngầm, nước sinh hoạt bị ô nhiễm.

img

Một vài gia đình đã phải khóa trái cửa, chuyển đến nhà người thân ở nhờ vì mất điện, mất nước, đi lại khó khăn…

img

Bà Đàm Thu Hồng mang trứng và đồ đạc khác chuyển sang nhà người thân ở nhờ.

img

Dù đã 5 ngày sau bão nhưng nước vẫn ngập sâu chừng 50cm, ngập nửa bánh xe máy khiến giao thông qua đây gặp nhiều khó khăn.

img

Trẻ nhỏ trong ngõ không có chỗ vui chơi phải đạp xe trên đường ngập nước.

img

Nhà bà Vũ Tuyết Lan bị ngập nặng nhất do nền nhà thấp hơn mặt đường chừng 60cm. Gia đình bà lấy bao cát chặn trước cửa nhưng vẫn không ngăn được nước vào nhà.

img

Mọi đồ đạc trong nhà phải kê lên cao. Muỗi cũng phát sinh nhiều do ngập nước, môi trường ô nhiễm.

img

Hiện công nhân môi trường đang tích cực đào cống dẫn nước, cho máy hút để rút nước cho con ngõ.

img

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Người dân nơi đây đang mong mỏi chính quyền sớm có phương án khắc phục để không phải sống trong cảnh cứ mưa là ngập.