Năm 2005 tại Bacolod, Philippines, U23 Việt Nam tham dự giải đấu với quyết tâm giành vàng về cho Việt Nam. Tất cả những cầu thủ ưu tú nhất của mảnh đất hình chữ S đã được HLV người Áo Alfred Riedl triệu tập. Có đủ những ngôi sao sáng trong đội hình như Văn Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng, Bật Hiếu…
Ở vòng đấu bảng ĐT Việt Nam chỉ phải gặp những đối thủ được đánh giá yếu hơn là Singapore, Lào, Myanmar, Indonesia. Ngôi đầu bảng được cho là khó thoát khỏi đội bóng của HLV người Áo. Quả thật vậy với 4 chiến thắng ĐT Việt Nam thẳng tiến vào bán kết.
Công Vinh từng bị các đồng đội tẩn tại khách sạn vì suýt làm "bể kèo".
Tại bán kết, không có quá nhiều khó khăn để vượt qua Malaysia và tiến đến trận đấu cuối cùng của giải đấu. Thật bất ngờ khi với 5 trận toàn thắng từ đầu giải đấu, ĐT Việt Nam đã thảm bại 0-3 trước ĐT Thái Lan.
Sau khi về nước, tin đồn U23 Việt Nam dàn xếp tỷ số rộ lên. Và sau quãng thời gian đấu tranh khai thác, hai kẻ chủ mưu là Văn Quyến và Quốc Vượng đã thừa nhận có tổ chức bán độ. Không phải ở trận chung kết mà từ trận đấu thứ 3 tại vòng bảng với Myanmar.
Nỗi đau SEA Games 2005 vẫn còn ám ảnh NHM bóng đá Việt Nam.
Các cầu thủ đã tổ chức bán độ bao gồm: Lê Quốc Vượng, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Lê Bật Hiếu, Văn Quyến. Họ đã tổ chức bàn bạc dàn xếp trận đấu với Myanmar trước ngày bóng lăn, có kêu gọi cả Tài Em, Công Vinh vào tham gia chung nhưng 2 cầu thủ trên đã từ chối vì đây là hành động trái với đạo lý.
Bằng chứng cho thấy khi Công Vinh ghi bàn, các cầu thủ trên đã có thái độ hoảng sợ và chỉ có một mình Tài Em ra ăn mừng với tiền đạo người xứ Nghệ. Cả hai đều không biết rằng, họ chỉ là những cầu thủ hiếm hoi “trong sạch” đang thi đấu trên sân. Bởi vậy, sau khi có bàn thắng dẫn trước, một tỷ số vừa trùng khớp với kết quả mà nhóm “bán độ” đã dàn xếp từ trước, các cầu thủ nằm trong đường dây đã yêu cầu toàn đội đá chậm lại để bảo toàn tỷ số 1-0.
Tài Em là người đã tố cáo nhóm đồng đội bán độ.
Nhiều thông tin khi đó còn cho rằng, vì “cố tình” ghi bàn vào lưới Myanmar (U23 VN thắng 1-0), Công Vinh bị một số cầu thủ đánh hội đồng khi về khách sạn. Thậm chí, tiền đạo này còn bị các đồng đội đe dọa không được phép khai báo sự việc trên cho BHL biết, nhằm giấu nhẹm những thông tin về hành vi sai trái của những “người đàn anh” tại U23 Việt Nam. Công Vinh sau đó phần vì tuổi đời còn trẻ, lại sợ bị thêm đòn thù nên đã không dám nói ra cho ai biết về vụ việc này.
Tuy nhiên, vì quá bức xúc trước việc làm của các đồng đội, tiền vệ Phan Văn Tài Em khi đó đã không thể “ngồi yên một chỗ”, anh nhanh chóng phát giác vụ việc khi rời phòng của nhóm đối tượng trên, đồng thời âm thầm báo cáo với cán bộ theo Đoàn khi đó là ông Lê Thụy Hải và ông Trần Hùng Cường. Ngay lập tức 2 vị trợ lý của U23 Việt Nam đã báo cáo để xin biện pháp xử lý, và cuối cùng thống nhất là sẽ giữ kín cho đến khi đội tuyển về nước nhằm tiện xem xét vụ việc.
HLV Lê Thụy Hải.
Kết thúc giải đấu với trận thua muối mặt trước Thái Lan, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không chỉ buồn mà còn thất vọng khi các cầu thủ của thế hệ vàng dính vào vòng lao lý. Những thần tượng bị sụp đổ và niềm tin của người hâm mộ vào các cầu thủ đã bị ám ảnh bởi 2 từ “bán độ”.
Một “vết nhơ” trong lịch sử của bóng đá Việt Nam vốn đã có nhiều điều tiếng, qua nhiều năm trời vẫn còn những vụ bán độ tiếp diễn. Một cái khó cho những người điều hành bóng đá nước nhà khi mà các cầu thủ đã bị tiền bạc làm cho mờ mắt. Nếu chúng ta đã mất công học hỏi các giải đấu nước bạn, vậy tại sao chúng ta không học thêm cách giáo dục cầu thủ như nào để không còn tái hiện lại những hình ảnh xấu xí năm xưa.