Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D có tầm bắn xa tới 1.500 km.
Trong những tháng qua, căng thẳng giữa hai nước đang ngày càng leo thang. Tại Biển Đông, Bắc Kinh và Washington mâu thuẫn về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép. Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới.
Ở biển Hoa Đông, Mỹ hối thúc đồng minh Nhật Bản thể hiện lập trường cứng rắn hơn với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong một bài nhận định đăng trên tờ Asia Times, nhà báo kỳ cựu Bill Gertz đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tăng cường mở rộng kho vũ khí tên lửa trong nhiều năm qua, vì lo ngại Mỹ gây hấn.
“Bắc Kinh đã âm thầm tích trữ tên lửa hành trình và đạn đạo trong vài thập kỷ qua, bao gồm các hệ tống tên lửa tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa”, Bill Gertz viết. “Một vài tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường cũng được triển khai”.
Bắc Kinh cũng bí mật phát triển tên lửa siêu thanh DF-ZF. Tên lửa được đưa lên vùng ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và khoảng không vũ trụ (cách mặt đất gần 100km) bằng một hệ thống phóng tên lửa đạn đạo cỡ lớn. DF-ZF sau đó có thể đạt tới tốc độ Mach 10 và giúp vượt qua mọi hệ thống phòng thủ.
Trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc cảm thấy bị buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.
“Việc phát triển năng lực tên lửa phòng thủ phù hợp là cần thiết đối với việc duy trì an ninh quốc gia Trung Quốc và nâng cao khả năng phòng thủ chung. Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào, cũng không phá vỡ cân bằng chiến lược quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói với phóng viên tháng trước.
Minh họa tên lửa siêu thanh bay trong bầu khí quyển.
Ông Dương nói thêm: “Chúng tôi sẽ chú ý đến hành động có liên quan của Mỹ và Hàn Quốc để có những biện pháp cần thiết, nhằm duy trì an ninh chiến lược quốc gia cũng như cân bằng chiến lược trong khu vực”.
Đa số những bước phát triển quân sự của Trung Quốc được tiến hành một cách bí mật trong quá khứ. Nhưng ngày nay, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên công khai hơn về năng lực tên lửa. Điều này đã khiến Mỹ chú ý.
“Việc Trung Quốc nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu thanh mới (HGV) đã thách thức những tính toán của Mỹ. Công nghệ HGV khiến cho năng lực phòng thủ Mỹ đứng trước nhiều khó khăn”, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (Stratcom), Đô đốc Cecil Haney nói trong hội nghị về tên lửa gần đây.
Theo ông Haney, Washington cần phải nghĩ lại trong vấn đề phòng thủ tên lửa. “Chúng ta phải suy nghĩ theo hướng khác, để có thể hiểu rõ điều gì đang diễn ra và làm cách nào để giải quyết vấn đề đó”.
Theo nguồn tin trên tờ China Military Online, việc leo thang căng thẳng giữa hai siêu cường sẽ dẫn đến những hệ quả khó tránh khỏi. “Vấn đề không phải là chiến tranh có xảy ra hay không mà là khi nào”, nguồn tin cho biết. “Nhiệm vụ của Trung Quốc là phải chuẩn bị ‘át chủ bài’ về vũ khí trước khi chiến tranh nổ ra”.