Trước những thông tin mà VPBank đưa ra trong thông cáo báo chí chiều 24.8, bà Trần Thị Thanh Xuân, giám đốc Công ty Quang Huân đặt ra một loạt vấn đề phủ nhận hoàn toàn những thông tin đó.
Trước hết, theo bà Xuân: “Khi các giao dịch rút tiền của Công ty Quang Huân, VPBank có yêu cầu người thực hiện giao dịch xuất trình CMND hay không? Nếu có, chẳng lẽ ngân hàng không thắc mắc gì về việc người thực hiện các giao dịch là đàn ông, trong khi chủ tài khoản lại là phụ nữ, tên có một chữ “Thị” to đùng, tại sao Ngân hàng lại cho thực hiện? Có giấy tờ ủy quyền của chủ tài khoản là tôi hay không?”
“Chẳng lẽ các trường hợp rút tiền tại VPBank đều không cần giấy chứng minh nhân dân (CMND)?”, bà Xuân đặt vấn đề.
Cũng theo bà Xuân, tại sao VPBank lại dễ dàng đưa séc cho nhân viên của mình để từ đó đưa cho người khác rút tiền từ tài khoản của tôi và tại sao giám đốc VPBank chi nhánh Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú (nơi bà Xuân mở tài khoản giao dịch) lại ký toàn bộ giấy tờ với người giả tên tôi? Họ không đọc giấy tờ hay sao?
Về thông tin VPBank “nhiều lần mời bà Xuân đến làm việc nhưng bà Xuân không hợp tác”, theo bà Xuân, không có chuyện tôi từ chối hợp tác với ngân hàng (NH) vì tôi đã nhiều lần lên ngân hàng nhưng những người có trách nhiệm cố tình né tránh.
“NH lấy lý do nhân viên Đoàn Thị Thúy Hằng đã nghỉ việc để từ chối giải quyết nhưng tôi giao dịch với NH chứ không phải giao dịch với cá nhân nhân viên Thúy Hằng, thế nên NH phải chịu trách nhiệm với những việc xảy ra. Là nạn nhân bỗng nhiên “mất” hơn 26 tỷ đồng, tôi mong muốn gặp người có trách nhiệm của NH lắm chứ, nhưng NH chỉ mời tôi lên làm việc một lần, còn sau đó nhiều người không chứng minh được là nhân viên NH gọi điện tôi không tin tưởng nên từ chối không gặp”, bà Xuân nói thêm.
Về chuyện mở tài khoản, bà Xuân cũng bất ngờ cho biết nhiều thông tin… “đáng ngờ”. Cụ thể, theo bà Xuân, nhân viên VPBank đã đưa giấy tờ đến tận công ty để làm thủ tục mở tài khoản. Tuy nhiên, nhân viên lại lấy lý do để quên con dấu nên mang hồ sơ của bà về NH đóng dấu và hứa sau đó sẽ trả lại một bản nhưng cuối cùng chỉ thông báo cho bà số tài khoản mà không trả lại chứng từ. Chưa kể, tôi khẳng định không hề ủy quyền cho ông Phạm Văn Trinh mở tài khoản.
“Nếu tôi có ký ủy quyền, người được ủy quyền phải đủ tư cách ký tên lên các giấy tờ chứ không phải giả chữ ký của tôi”, bà Xuân khẳng định.
Riêng thông tin về việc VPBank cho biết có tin nhắn thông báo về những giao dịch nói trên đến số ĐT của bà Xuân, bà cho biết tôi chưa từng nhận được bất cứ tin nhắn nào của VPBank về các giao dịch này cả. Nếu thật có mà tôi giấu thì chắn chắn Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hết.
Cuối cùng, bà Xuân cũng cho biết, đã yêu cầu NH cung cấp toàn bộ hồ sơ có chữ ký thật của bà nhưng đến nay VPBank cũng chưa phản hồi.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, bà Trần Thị Thanh Xuân, giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết tháng 3.2015, bà mở tài khoản tại VPBank để phục vụ công việc kinh doanh. Toàn bộ số tiền khách hàng mua bán nông sản với công ty đã giao dịch qua tài khoản là 26 tỉ đồng. Tháng 7.2015, bà Xuân đến ngân hàng rút tiền mới biết toàn bộ tiền trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn vài trăm ngàn đồng.
Kết quả sao kê cho thấy nhân viên VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng đã cùng chồng và kế toán của Công ty Quang Huân là ông Phạm Văn Trinh thực hiện các giao dịch mua séc để rút và chuyển tiền vào công ty của vợ ông Trinh. Bà Xuân cũng khẳng định không nhận được các tin nhắn thông báo về những giao dịch nói trên. Đồng thời cũng tố cáo ông Phạm Văn Trinh và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại tiền của Công ty Quang Huân.
Tuy nhiên, sau khi bà Xuân khiếu nại, VPBank cho biết nhân viên Đoàn Thị Thúy Hằng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho cơ quan điều tra nên phải chờ giải quyết.