Dân Việt

TQ: Bệnh nhân tự chế thuốc chữa ung thư

Trà My - SCMP 27/08/2016 06:55 GMT+7
Vì thiếu thuốc, vì giá thuốc quá cao, một số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối ở Trung Quốc đang phải tự chế thuốc chữa trị cho mình.

img

Ở Trung Quốc, nhiều loại thuốc ung thư không có sẵn, chưa được chấp thuận hoặc quá đắt đỏ

Những bệnh nhân này mua thành phần hoạt chất dược phẩm (viết tắt là API), các thành phần cơ bản của dược phẩm, trên mạng. Sau đó họ làm theo hướng dẫn của các bệnh nhân trước, trộn các API với hy vọng kéo dài cuộc sống của họ, theo báo Southern Weekend ngày 25.8.

Họ nói với tờ báo rằng họ không thể chờ đợi cơ quan quản lý thuốc phê duyệt thuốc ngoại để được sử dụng ở Trung Quốc, cũng như không đủ khả năng chi trả cho các loại thuốc đã được phê duyệt với giá cao cắt cổ. Chính vì thế, thuốc tự làm, sử dụng công thức của các loài thuốc được phê duyệt tại các thị trường khác, là hy vọng cuối cùng của họ.

Thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối là 14 tháng, nhưng phải mất từ 3-5 năm để Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt thuốc, báo cáo cho biết.

"Nhiều bệnh nhân đã trở thành bác sĩ và nhà hóa học. Họ tìm cách mua API để tự làm thuốc. Một phần ba bệnh nhân của tôi đang dùng những loại thuốc như vậy", Wu Yilong, phó chủ tịch Bệnh viện nhân dân Quảng Đông và một chuyên gia về ung thư phổi, nói với tờ báo.

img

Một bênh nhân ung thư da 82 tuổi đang ngồi xem TV

Ling Hao, có một người mẹ 61 tuổi bị ung thư phổi đã lan tới não, quyết định tự làm thuốc cho mẹ sau khi đã thử tất cả các loại thuốc có sẵn thuốc trong nước.

Ling mua API với tên mật mã AZD9291, đại diện cho Osimertinib, một loại thuốc điều trị ung thư phổi đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt năm ngoái.

Nếu bệnh nhân có thể mua loại thuốc này, nó cũng quá đắt, (khoảng 80.000 nhân dân tệ/tháng, nghĩa là hơn 260 triệu đồng), dựa trên giá bán lẻ của Mỹ.

Ling mua API từ một bệnh nhân ung thư phổi trước đó sử dụng loại thuốc tự chế và tình trạng trở nên ổn định.

Theo hướng dẫn trên mạng của các bệnh nhân khác, Ling cũng phải mua rất nhiều dụng cụ khác để chế tạo thuốc như cân điện tử, lưới lọc, viên nang và bột y tế…

Ở Trung Quốc, việc bán thuốc chưa được phê duyệt là bất hợp pháp. Một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu ở Hồ Nam đã bị buộc tội vào năm 2014 vì bán thuốc giả và thuốc từ Ấn Độ cho những bệnh nhân khác, nhưng đã được tha bổng năm ngoái.