Dân Việt

Tuyển sinh 2016: Thí sinh "ảo" có làm khó các trường?

Diệu Thu 26/08/2016 16:23 GMT+7
Lãnh đạo trường Đại học Y cho rằng, hiện tượng thí sinh ảo trong các mùa tuyển sinh là điều bình thường.

img

Thí sinh tiếp tục làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào các trường đại học

Đến thời điểm này, một số trường đại học lớn ở Hà Nội vẫn thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Đến ngày 26/8, cả nước có 159 trường đại học tuyển sinh nguyện vọng 2 với hàng nghìn chỉ tiêu.

Phải tuyển sinh thêm vì thí sinh ảo

Một số lãnh đạo các trường đại học băn khoăn, “không biết thí sinh chạy đi đâu” và nhiều ý kiến cho rằng, việc tỷ lệ ảo quá lớn trong mùa tuyển sinh đại học năm nay đã làm khó cho các trường, dẫn đến nhiều trường phải tuyển bổ sung.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc có ảo trong xét tuyển là bình thường.

"Tuyển sinh đại học chưa bao giờ không có ảo. Có năm trường tôi ảo đến 47% như năm 2010, có năm đến 49,2% như năm 2011. Năm nay, tỷ lệ ảo của Đại học Y Hà Nội là 29%, cũng không phải quá khủng khiếp”, ông Hinh chia sẻ.

Theo ông Hinh, kết thúc đợt xét tuyển đợt một, trường có 778 thí sinh nhập học vào các ngành, trên tổng số 1.100 chỉ tiêu, đạt 71%. Ban giám hiệu trường đã quyết định xét tuyển bổ sung cho một số chuyên ngành, trừ bác sỹ đa khoa và bác sỹ răng hàm mặt.

Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, tình trạng thí sinh ảo không hề mới.

"Thí sinh ảo năm nào cũng có. Tất nhiên năm nay tỷ lệ ảo có lớn hơn, nhưng điều quan trọng là các trường phải cẩn trọng trong tính tỷ lệ ảo theo từng ngành," ông Lập nói.

Tại Học viện, trường phải trừ ảo, những thí sinh điểm cao nhưng đã nộp vào các trường có thương hiệu lớn hơn mình, trừ tiếp những thí sinh có điểm khá, nộp vào trường ngang mình nhưng học phí thấp hơn.

Mức độ thí sinh ảo thậm chí được cho từng ngành khác nhau. Ví dụ ngành Công nghệ thông tin là thế mạnh của trường thì mức ảo thấp hơn, nhưng ngành Kế toán thì phải trừ tỷ lệ ảo đến 60%.

Chính sách tuyển sinh sẽ thay đổi

Lý giải về tình trạng nhiều trường vẫn không nhận đủ chỉ tiêu tuyển sinh do tình trạng “thí sinh ảo”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, không chỉ bây giờ vấn đề “thí sinh ảo” mới được nói đến, bàn đến.

Theo bà Phụng, ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào Quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý.

img

Để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, trong Quy chế tuyển sinh năm nay cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước; trong mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác” không và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc ảo và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...

Trước khi tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển.

Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “thí sinh ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt I, Bộ GD&ĐT đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán “thí sinh ảo”…

“Có thể nói, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển…”, bà Phụng nói.

“Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo”, bà Phụng nói.

Theo bà Phụng, các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Hiện nay chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định. Trong đó, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững; chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà.

Trong thời gian tới, chính sách tuyển sinh sẽ được điều chỉnh như thế nào để tránh tình trạng hàng năm các trường và các thí sinh đều thấp thỏm chờ đợi kết quả tuyển sinh.

Hiện nay, Bộ đã lấy ý kiến của các trường ĐH, các sở GD&ĐT về phương án tuyển sinh sắp tới và đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, tham mưu trong việc xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất, công bố vào đầu năm học tới.

Tuy nhiên, tình trạng trên không chỉ giải quyết bằng chính sách tuyển sinh. Tuyển sinh chỉ là một công đoạn đầu của quá trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu vào và là điều kiện cần để có chất lượng đầu ra.