Do màu sắc không nổi bật và không to như dâu tây đỏ, những trái dâu tây vàng nhỏ nhắn thường ít bị các loài chim ăn trái "để ý", vì cho rằng trái chưa chín.
So với dâu tây đỏ thường thấy thì những trái dâu tây vàng với màu sắc hấp dẫn, được cho là có vị ngọt và đậm đà hơn.
Việc trồng dâu tây vàng gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các loại dâu tây trắng, đỏ thường thấy. Tuy nhiên, không khó để bạn có thể sở hữu những chậu dâu tây vàng độc lạ này nếu làm theo cách dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hạt giống (cây con), đất trồng, chậu trồng
- Bạn có thể trồng dâu tây vàng từ hạt giống hoặc bằng cây con được mua ở những cửa hàng bán hạt giống, cây con uy tín. Với chọn cây con, bạn nên chọn cây cao từ 10 – 15cm, cây chắc khỏe, không sâu bệnh, cây phát triển đều.
- Dâu tây vàng ưa đất thịt nhẹ và có khả năng thoát nước tốt, chất dinh dưỡng phong phú. Khi gieo trồng thì bạn cần trộn đất với xơ dừa và tro trấu để giúp cho cây sinh trưởng và phát triển nhanh chóng.
- Bạn có thể trồng dâu tây vàng trong những chiếc chậu tròn được làm bằng đất nung hoặc là nhựa. Nên trồng dâu trong chậu dài, luống dài hoặc chậu tròn. Quan trọng là chậu hoặc luống cần cao để trái dâu không bị bò lan trên mặt đất. Luống cao từ 15 đến 25cm là được.
Bước 2: Gieo hạt hoặc trồng cây con
Có 2 cách để bạn lựa chọn nếu gieo hạt:
Cách 1: Ngâm hạt vào nước ấm tay từ 15 - 20 phút. Sau đó cho vào túi vải ẩm ủ vài ngày. Sau 5 - 10 ngày hạt sẽ nứt kẽ và nảy mầm. Cho hạt đã nảy mầm vào chậu ươm.
Cách 2: Ngâm hạt vào nước ấm tay từ 15 - 30 phút. Rải đều hạt lên bề mặt đất đã được làm ẩm, sau đó phủ một lớp đất mỏng 1 - 2mm. Hàng ngày tưới phun 2 lần sáng tối.
Bước 3. Tiến hành trồng và chăm sóc
Hàng ngày, bạn cần tưới nước để tăng cường độ ẩm cho hạt nhanh nảy mầm. Thế nhưng để không bị dập nát cây thì bạn không nên tưới quá nhiều nước và nên dùng bình phun. Nên tưới vào sáng sớm là tốt nhất, buổi chiều thì cần tưới sớm và không nên tưới vào buổi chiều muộn.
"Chuyển nhà" cho cây: Khi cây con được khoảng 4 lá thật thì đã đến lúc bạn đưa cây vào chậu. Bạn tiến hành chăm sóc chu đáo để giúp cho cây nhanh thích nghi với môi trường mới.
Dâu tây vàng ưa sáng, thế nhưng để giúp cho cây khỏe và quả không bị chua thì bạn nên để cây hoặc treo giỏ, chậu ở những nơi có ánh sáng vừa phải.
Tránh ánh sáng của bóng đèn vào cây, nhất là ban đêm vì sẽ làm cho cây không cho nhiều quả và xanh tốt.
Để cây dâu sinh trưởng mạnh và ổn định trong giai đoạn đầu nên ngắt bỏ chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sinh trưởng và ức chế phát dục.
Khi cây bắt đầu ra quả, nếu thấy quá nhiều lá nên tỉa bớt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Lý tưởng cho cây dâu là để khoảng từ 4-6 lá. Ngắt cách gốc khoảng 5cm để tránh hiện tượng nấm xâm nhập ngược vào gốc.
Dâu tây vàng rất dễ mắc một số bệnh như kiến, nấm, thối cây nếu bị ngập úng. Vì vậy cần được chăm sóc cây thường xuyên để cây không mắc bệnh, dùng thuốc trừ sâu, diệt trừ sâu bệnh để cây nhanh khỏe.
Về bón phân, dâu tây cần được cung cấp dưỡng chất tự nhiên bằng cách bón thêm phân vi lượng, bạn có thể chọn phân NPK, phân chuồng để tăng cường chất dinh dưỡng cho cây nhiều hơn.
Bước 4: Trồng cây đến ngày thu hoạch
Khi quả có màu vàng mọng thì tiến hành thu hoạch quả, nên cắt cả cuống dài để không bị ảnh hưởng tới những vùng khác của cây.
Do dâu tây vàng ưa thời tiết mát mẻ, nên nếu bạn có ý định gieo trồng từ hạt thì nên đặt chậu cây trong nhà vào mùa hè, còn nếu có ý định trồng cây giống nên chọn mùa thu và đặt chậu cây ngoài trời. Vì vậy, đây được xem như thời điểm khá thích hợp để bạn bắt tay vào trồng ngay loại dâu tây lạ này.
Chúc bạn trồng dâu tây vàng thành công!