Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có quyết định chấp thuận cho CTCP Xây dựng Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu, với mã chứng khoán là ROS. Ngày 01.09 tới đây sẽ là ngày giao dịch chính thức cổ phiếu của Faros.
Theo đó, Faros được chấp thuận chính thức niêm yết 430 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 4.300 tỷ đồng, mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng.
Faros có vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, tư vấn thiết kế và quản lý các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông... và là một trong những nhà thầu chính xây dựng các dự án của Tập đoàn FLC.
2 năm tăng vốn gấp 2.866 lần
Faros tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào tháng 3.2011, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến ngày 13.5.2015 đổi tên thành Faros. Trải qua 5 năm và 5 lần tăng vốn, đến tháng 3.2016, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 4.300 tỷ đồng, tương đương với vốn điều lệ của Vinaconex.
Quá trình tăng vốn điều lệ của Faros thực chất chỉ diễn ra trong 2 năm, từ tháng 4.2014 đến hết quý II.2016
Tuy nhiên, quá trình tăng vốn thực chất chỉ diễn ra trong hơn 2 năm, bắt đầu từ tháng 4.2014 đến tháng 6.2016. Cụ thể, tháng 4.2014 với giá trị vốn tăng thêm là 223,5 tỷ đồng. Năm 2015 tăng vốn 2 lần với tổng giá trị vốn tăng thêm là 4.162 tỷ đồng. Năm 2016 tăng vốn 2 lần với tổng giá trị vốn tăng thêm là 1.263 tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch của Foros, Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết đồng thời là cổ đông lớn nhất của Faros khi sở hữu 179,7 triệu cổ phiếu, tương đương 41,79% vốn điều lệ. Tạm tính theo mệnh giá 10.000 đồng thì lượng cổ phiếu ROS mà ông Quyết nắm giữ có trị giá 1.800 tỷ đồng.
Hiện ông Quyết cũng là cổ đông lớn nhất của FLC Group với 93 triệu cổ phiếu (14,6% vốn điều lệ), có trị giá 521 tỷ đồng theo thị giá hiện tại của cổ phiếu FLC là 5.600 đồng. FLC Group vừa hoàn tất đợt tăng vốn từ 5.300 tỷ đồng lên 6.380 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 179,7 triệu cổ phiếu, tương đương 41,79% vốn điều lệ của Faros nhưng không tham gia HĐQT hay điều hành
Với lượng cổ phiếu FLC và ROS đang nắm giữ, ông Trịnh Văn Quyết sẽ nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá vào khoảng trên 2.300 tỷ đồng, con số đủ để giữ một vị trí trong Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
83% vốn điều lệ đi ủy thác đầu tư tài chính
Tuy nhiên, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Faros cho thấy một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, đó là khoản tiền và tương đương tiền của Faros tính đến 30.6 là 11,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm là 42,4 tỷ đồng. Với một công ty xây dựng có vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, đặc biệt là mới tăng vốn lớn trong thời gian gần đây, so với các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn như CTD là 1.360 tỷ đồng, HBC là 400 tỷ đồng, thì 11,8 tỷ đồng là một con số rất nhỏ.
Theo báo cáo tài chính nửa năm của Faros cho thấy doanh thu 6 tháng đạt 1.072 tỷ đồng, lãi gộp 103 tỷ đồng, lãi từ hoạt động tài chính 106,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực hoạt động chính xây lắp của Faros là rất nhỏ so với quy mô vốn 4.300 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính là 106,9 tỷ đồng, trong khi doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực hoạt động chính rất nhỏ so với vốn điều lệ là 4.300 tỷ đồng
Một vấn đề nữa, ông Quyết là cổ đông lớn nhất của Faros với tỷ lệ sở hữu là 41,8% vốn điều lệ nhưng lại không nằm trong HĐQT hay ban điều hành của công ty. Đây là điều kỳ lạ, khi mà người nắm nhiều cổ phiếu nhất lại không tham gia quản trị doanh nghiệp.
Quan trọng, trong báo cáo kiểm toán, Công ty TNHH kiểm toán ASC nhấn mạnh, đó là: “Tính đến ngày 30.6, tổng số tiền Faros uỷ thác đầu tư cho các cá nhân là 1.417 tỷ đồng, uỷ thác đầu tư cho các tổ chức là 2.149 tỷ đồng (chi tiết tại thuyết minh số V.2). Trong kỳ, tổng số tiền lãi phải thu từ các hợp đồng uỷ thác này được hạch toán trên tài khoản Doanh thu tài chính với số tiền là 92,9 tỷ đồng. Số tiền lãi theo điều khoản hợp đồng uỷ thác đầu tư sẽ được thanh toán khi tất toán hợp đồng”.
Một ý kiến nữa của kiểm toán ASC: “Như đã nêu tại thuyết minh số V.17.c, đợt tăng vốn điều lệ trong quý I.2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8.1.2016”.
Ý kiến của công ty kiểm toán ASC về việc chuyển tiền đến và đi liên tục trong quá trình tăng vốn điều lệ của Faros ngày 8.1
Điều đó có thể hiểu, tiền tăng vốn sau khi chuyển về công ty thì được rút đi ngay. Điều này dấy lên nghi ngờ đối với các nhà đầu tư là tăng vốn “ảo”, khi việc chuyển tiền đến chỉ là thủ tục để phát hành thành công nhưng sau đó tiền được chuyển đi ra khỏi công ty ngay lập tức với các mác ủy thác đầu tư tài chính. Và với số tiền 3.566 tỷ đồng uỷ thác cho các cá nhân và tổ chức đầu tư, các cổ đông sẽ không biết họ đang làm gì với số tiền lớn đó.
Điều đáng nói, Faros đã dành 3.566 tỷ đồng để uỷ thác đầu tư tài chính, chỉ còn 734 tỷ đồng để dành cho ngành nghề chính. Đây là một rủi ro lớn và tiềm tàng khi mang 83% vốn điều lệ đi ủy thác đầu tư tài chính cho các cá nhân và tổ chức.
Một thủ thuật “làm đẹp” cho cổ phiếu ROS, đó là công ty kinh doanh vẫn có dòng tiền dương. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm lại "tố" một phần dòng tiền đó đến từ Tập đoàn FLC. Trong mục Phải trả cho người bán, Tập đoàn FLC có giá trị ghi sổ là 803,98 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 6 tháng cũng cho thấy, Faros có 993 tỷ đồng khoản phải thu, trong đó, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi là 90.9 tỷ đồng nhưng chỉ có khả năng thu hồi là 48,2 tỷ đồng. Trong đó, có khoản thu từ công ty TNHH Golf Phúc An Ngọc Việt là 68,9 tỷ đồng, có khả năng thu 48,2 tỷ đồng. Còn khoản thu từ công ty CP Cồn rượu Hà Nội là 11 tỷ đồng và “ngân hàng 0 đồng” OceanBank là 11 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Với những phân tích trên, nhà đầu tư sẽ định giá chào sàn cho cổ phiếu ROS ngày 1.9 là bao nhiêu?