Dân Việt

Bình Định: Dân ngăn cản xây cầu… vì thi công gây nứt nhà?

Dũ Tuấn 01/09/2016 09:14 GMT+7
Khi công ty TNHH Hồng Phúc đang tiến hành đóng cọc thi công cầu Lê Thanh Nghị (TP Quy Nhơn, Bình Định) thì nhiều hộ dân (trú KV 9, phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn) ra can ngăn. Họ cho rằng, việc thi công đã gây ra tình trạng nứt nhà, đảo lộn cuộc sống của người dân và không hề được báo trước.

Thi công gây nứt nhà?

Cầu Lê Thanh Nghị nối khu dân cư bắc sông Hà Thanh (phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn) với khu dân cư đông Ðiện Biên Phủ (phường Nhơn Bình) do Trung tâm phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư và công ty TNHH Hồng Phúc thi công...

Bà Đỗ Thị Kim Em (SN 1960, trú tổ 46, KV 9) cho biết: “Từ ngày cầu thi công cầu Lê Thanh Nghị đã gây ra nhiều vết nứt trên ngôi nhà của tôi. Đơn vị  thi công đóng cọc rầm rầm, lúc chỉ có 2 bà cháu ở nhà đang cho ăn cơm thì tự dưng mảng bê tông trên trần nhà rớt xuống, hốt hoảng tôi ôm cháu chạy ra gốc xoài để trốn mà chẳng dám vào nhà. Mới đây, ngày 24.8 do đóng cọc nghe rung nặng quá nên người dân chúng tôi mới chạy ra ngăn cản lại. Các cơ quan liên quan đã đến chụp hình nhưng đến nay chưa thấy giải quyết”.  

img

img

Bà Đỗ Thị Kim Em (trú tổ 46, KV 9) bức xúc, phản ánh việc thi công cầu Lê Thanh Nghị đã gây ra tình trạng nứt nhà.

Theo ông Lê Văn Hạnh (44 tuổi, trú tổ 46), hiện nay 16 hộ dân địa phương đang lâm vào cảnh sống thấp thỏm khi bị nứt nhà do thi công cầu. Trước tình trạng đó, người dân đã được mời đến trụ sở UBND phường Đống Đa để họp bàn, tìm giải pháp khắc phục.

“Người dân đang họp thì ở công trình, đơn vị thi công vẫn cho làm, chúng tôi rất bức xúc vì họ không coi trọng cuộc sống của dân.Trong khi đó, việc thi công đóng cọc cầu không có ai thông báo cho chúng tôi cả. Trước khi thi công thì cần báo cho người dân được biết: mức độ đóng cọc ảnh hưởng ra sao, chấn động bao nhiêu rồi mới thi công. Chứ đóng cọc rồi nhà cửa sập xuống thì biết bao nhiêu mà đền bù, chẳng lẽ bị nứt thì đền bù cho dân chừng 1,2 triệu thì làm sao”- ông Hạnh bức xúc.

Chủ đầu tư nhận thiếu sót

Ông Phạm Hồng Yên- Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phúc, cho biết: “Theo thiết kế cầu thì đóng 100 cọc (mỗi cọc sâu 40m) và chúng tôi đã đóng hết 100 cọc rồi. Nhưng còn 1 cọc chỉ đóng được 37m do chờ mấy nhà giải tỏa đền bù xong, khi đóng lại mới được vài nhát búa thì ngày 24.8, người dân ra ngăn cản thi công nên chúng tôi đã dừng đóng cọc và chờ thành phố làm việc với dân. Việc thi công cọc đã thông báo cho dân, đóng cọc có mấy nhát mà nứt gì đâu, nếu có nứt mới thì mình trám đền chứ có gì đâu, nứt mấy nhà cấp 4 thôi, đơn giản lắm”.

img

Cầu Lê Thanh Nghị đã được đơn vị thi công- công ty TNHH Hồng Phúc đóng 100 cọc với độ sâu 40 mét/cọc.

Để giải quyết kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công cầu Lê Thanh Nghị, UBND phường Đống Đa đã mời các bên liên quan để làm việc gồm: các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn, đơn vị giám sát và đơn vị thi công: công ty TNHH Hồng Phúc (ngày 24.8).

Theo biên bản làm việc, ông Huỳnh Thế Tri- Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn (đại diện chủ đầu tư) đã nhận thiếu sót vì khi thi công đóng cọc không thông báo trước cho người dân. Đồng thời, ông Tri yêu cầu phối hợp giữa các đơn vị liên quan xác nhận hiện trạng nhà bị ảnh hưởng khi thi công đóng cọc cầu.

Ông Phan Tấn Vũ- Phó chủ tịch UBND phường Đống Đa nêu ý kiến: “Chủ đầu tư cần phối hợp với các bộ phận liên quan, tiến hành kiểm tra xác định hiện trạng nhà dân bị ảnh hưởng để có cơ sở bồi thường, hỗ trợ. Trong thời gian đóng cọc, đề nghị các hộ dân nên di chuyển ra khỏi nơi ở, tránh rủi ro có thể xảy ra…”.

Ngày 30.8, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Ngô Hoàng Nam- Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn cùng với địa phương kiểm tra và ghi nhận hiện trạng. Sau đó, sẽ xử lý và nếu có thì phải nhanh chóng khắc phục và hỗ trợ cho người dân”.