Một con tê giác tên là Kuda vừa bị chặt sừng ở Zimbabwe ngày 25.8
Zimbabwe đang có kế hoạch chặt toàn bộ sừng tê giác trong các công viên quốc gia để ngăn chặn săn trộm sau khi 50 con tê giác đã bị giết trái phép vào năm ngoái, một nhóm bảo tồn động vật hoang dã cho biết ngày 30.8.
Sừng tê giác được đánh giá cao ở châu Á, nơi tin rằng sừng của loài động vật này có tác dụng trong y học cổ truyền. Nhu cầu tăng cao đã dẫn đến gia tăng nạn săn bắn tê giác.
1.305 con tê giác, một số lượng kỉ lục, đã bị giết hại trái phép ở châu Phi năm ngoái, hầu hết ở Nam Phi, theo nhóm bảo tồn.
Kuda đứng dậy đi lại sau khi bị chặt sừng
Lisa Marabini, giám đốc của tổ chức Aware Trust Zimbabwe, cho biết tổ chức này đang giúp Khu bảo tồn Zimbabwe và Cơ quan quản lý động vật hoang dã chặt bỏ sừng của 100 con tê giác ở các khu vui chơi, những con vật ít được bảo vệ, là mục tiêu của những kẻ săn trộm.
Khoảng 600 con tê giác khác đang được bảo vệ trong các khu bảo tồn tư nhân, những nơi này có thể cắt bỏ sừng tê giác hoặc tăng cường an ninh, Marabini nói.
"Chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới những người săn trộm rằng họ sẽ không lấy được sừng tê giác ở Zimbabwe. Chính sách của công viên là chặt sừng tất cả tê giác," Marabini nói.
Một con tê giác khác tên Carol với chiếc sừng đã bị chặt
Phải mất khoảng 1.200 USD (gần 27 triệu đồng) để lấy sừng một con tê giác, Marabini nói.
Mua bán sừng tê giác trên thế giới đã bị cấm vào năm 1977. Tại Zimbabwe, giết chết một con tê giác có thể phải đi tù 9 năm.
Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết 50 tê giác đã bị giết ở Zimbabwe vào năm 2015, gấp đôi con số này của năm trước.