Honda “thanh minh” lao động tự xin nghỉ
Trả lời Dân Việt, đại diện Honda Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 10.000 lao động đang làm việc tại Honda Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2014 đến hết tháng 7.2016, Honda Việt Nam chỉ sa thải 17 lao động, trong đó 13 trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH giả và 4 trường hợp vi phạm nội quy của Công ty và luật Lao động hiện hành. Về số lao động ngừng đóng BHXH, trung bình trong vòng 3 năm trở lại đây, mỗi năm Honda Việt Nam có khoảng gần 2.000 lao động ngừng đóng BHXH, trong đó có khoảng 1.600 lao động tự xin nghỉ việc, bỏ việc vì lý do cá nhân. Số lao động tự xin nghỉ việc này có thâm niên làm việc như sau: dưới 1 năm chiếm 59,5%, từ 1 năm đến dưới 2 năm chiếm 19,9%, từ 2 năm đến dưới 3 năm chiếm 10,6%, từ 3 năm đến dưới 4 năm 6,3%, trên 4 năm 3,7%.
Số lao động còn lại khoảng 300 đến 400 là do hết hết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 đến 3 năm mà không được ký tiếp hợp đồng lao động do không đáp ứng được yêu cầu công việc của Công ty. Để có cơ sở đánh giá việc tiếp tục được ký kết hợp đồng lao động với Công ty hay không, Công ty Honda Việt Nam sẽ dựa vào kết quả công việc được đánh giá trong cả quá trình làm việc tại Honda Việt Nam và kết quả kiểm tra kiến thức về kỹ năng làm việc của Lao động bao gồm tôn chỉ và các chính sách của công ty, các quy định hiện hành về nội quy, quy định của công ty. Các nội dung này được in trong quyển sổ tay nhân viên và được phát hành cho 100% nhân viên trong công ty, đồng thời cũng được phổ biến, đào tạo cho từng nhân viên trong quá trình làm việc.
Honda Việt Nam cũng cho biết, tỷ lệ người lao động chủ động nghỉ việc tự nhiên khá cao đang là một bài toán khó khăn cho Honda Việt Nam khi phải mất rất nhiều thời gian và chi phí cho việc tuyển dụng và đào tạo người mới thay thế.
“Trên thực tế, lực lượng lao động của địa phương không đủ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng vì vậy chúng tôi phải tuyển dụng ở các tỉnh xa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ thôi việc tự nhiên cao do thói quen của người lao động Việt Nam muốn được làm gần nhà do vậy họ sẵn sàng thôi việc khi có công việc ở gần nhà. Mặt khác các địa phương cũng đang cố gắng trong việc tạo việc làm cho người lao động địa phương”, đại diện Honda Việt Nam cho biết.
Tại sao lao động xin nghỉ nhiều như thế?
Trả lời PV ông Nguyễn Sơn Trường – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vừa qua Sở đã nhận được Công văn của Bộ LĐTBXH về việc chỉ đạo Sở làm rõ những thông tin báo chí nêu về việc Công ty Honda Việt Nam sa thải lao động báo cáo Bộ.
Theo đó, ngày 29.8, Sở đã có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc cho phép thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành gồm (Sở LĐTBXH, Tư Pháp, Bảo hiểm và Công đoàn) để kiểm tra các thông tin báo nêu tại Công ty Honda Việt Nam và một số công ty khác trên địa bàn. Song hiện chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nên chưa thể kiểm tra.
Theo ông Trường, Đoàn kiểm tra Liên ngành dự kiến sẽ về Công ty Honda, một số công ty FDI và các công ty khác để kiểm tra về: Quy trình tuyển dụng lao động; Thực trạng sử dụng lạo động; Các chế độ đối với người lao động; Việc chấm dứt HĐLĐ của công ty Honda có đúng hay không, hết HĐ nếu lao động không bị kỷ luật, Honda không có HĐ nữa có vi phạm hay không…?
“Theo thông tin chúng tôi có được, Honda Việt Nam thừa nhận mỗi năm họ cho nghỉ việc khoảng 2.000 lao động, trong đó 20% là hết HĐ, 5% sa thải, còn lại lao động xin thôi việc. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này, một công ty làm ăn hiệu quả, môi trường tốt, tại sao lại có nhiều lao động “xin nghỉ” như vậy? Chúng tôi sẽ tìm hiểu cả những người lao động xem việc sử dụng lao động của Honda Việt Nam và các DN khác có đúng không".
Dự kiến 10 – 15.9 chúng tôi sẽ có báo cáo trả lời Bộ trưởng Bộ LĐTBXH” – ông Trường cho biết.
Ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KĐT) cho rằng, nếu đúng là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong đó có Honda cho người lao động nghỉ việc mỗi năm lên tới hàng nghìn người thì đúng là chúng ta quản lý quá yếu. Rõ ràng, chúng ta chưa có những ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài về sử dụng lao động. Ở đây, nếu xét về các điều khoản Luật thì doanh nghiệp họ không vi phạm và không thể xử lý họ được. Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI rất khôn, họ đã biết Luật lao động có những kẽ hở và biết được “lỗ hỏng” của quản lý. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài, trong chính sách sử dụng lao động họ cũng đưa ra quy định để cho lao động cố gắng phấn đấu. Với những nhà sử dụng lao động như Honda, khi đã có thương hiệu rồi và có mức lương tương đối khá thì họ cũng rất dễ tuyển lao động mới. Từ đó, họ có thể cho thôi việc lao động cũ để giảm chi phí. Đây là những lỗ hỏng của quản lý các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI cần được đánh giá lại và có điều chỉnh kịp thời, tránh làm xáo trộn lực lượng lao động. |