Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj.
Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 31.8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington không ủng hộ các giải pháp quân sự và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
“Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của PCA vì đây là phán quyết cuối cùng, có giá trị ràng buộc pháp lý với cả hai bên”. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Kerry phát biểu trong cuộc gặp với các sinh viên ở New Delhi.
Ông Kerry nhấn mạnh rằng sau Thế chiến II, cộng đồng quốc tế đã phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để tái thiết trật tự bình ổn, bởi vậy hòa bình là điều cần được các nước tôn trọng.
Viện dẫn việc giải quyết tranh chấp hàng hải giữa Bangladesh và Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng thế giới có thể học hỏi từ Ấn Độ trong việc tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế
“Ấn Độ quyết định chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế trong tranh chấp biên giới hàng hải với Bangladesh năm 2014. Đây là hình mẫu trong có thể giúp đỡ giải quyết các tranh chấp nguy hiểm ở các khu vực khác… rằng hoàn toàn có thể hướng tới giải pháp hòa bình, bao gồm cả vấn đề Biển Đông”, ông Kerry nói.
Theo Times of India, trong buổi điều trần trước Quốc hội hồi đầu tháng 7, trước phán quyết của PCA về Biển Đông, Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, Abraham Danemark cũng đã từng kêu gọi Trung Quốc tương tự.
Tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Trung Quốc vào cuối tuần này. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra tại hội nghị.
Trước đó, có những thông tin nói Trung Quốc đề nghị Ấn Độ không nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G20 vì không muốn nhận thêm sức ép của cộng đồng quốc tế.
Sau Đối thoại Thương mại và chiến lược Ấn Độ-Mỹ lần thứ hai tại New Delhi ngày 30.8, Ấn Độ và Mỹ đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không và không cản trở thương mại trong toàn khu vực, kể cả ở Biển Đông.
Tuyên bố chung kêu gọi các bên tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển.