Anh Nguyễn Đình Quỳnh – Chủ vườn chim cảnh ở Hải Dương cho biết: Chim Trĩ Trắng (có tên tiếng anh White Pheasant) thuộc lớp chim (AVES), bộ gà (Galliformes), họ trĩ (Phasianidae). Trĩ Trắng có đuôi dài và nhỏ, chúng có màu sắc đẹp và chất lượng lông tuyệt vời. Hiện nay số lượng chim trĩ trắng không nhiều chủ yếu là phục vụ nhu cầu chơi cảnh.
Chuồng nuôi chim trĩ trắng được anh Quỳnh thiết kế rất gần gũi với tự nhiên.
Theo anh Quỳnh, hiện nay trên thị trường cũng có khá nhiều người rao bán chim trĩ trắng trên mạng song để mua được chim trĩ trắng chuẩn bà con cần phải có kinh nghiệm. “Để không bị lừa, tôi khuyên bà con khi đi mua nên đến các địa chỉ uy tín và khi đi nên rủ thêm người có kinh nghiệm để chọn chim, nếu tự đi mọi người nên chờ thời điểm chim trĩ trắng được khoảng 3 – 4 tháng tuổi, bởi khi đó mới có thể nhận biết rõ được chim trống và chim mái” – anh Quỳnh chia sẻ.
Anh Quỳnh cho biết, đặc điểm dễ nhận biết nhất khi chim trĩ trắng được 3 – 4 tháng tuổi đó là chim trống có đuôi dài, đầu to hơn chim mái. Đặc biệt chim trống có mào đỏ đặc trưng trên đầu mà chim mái không hề có. “Ngoài các đặc điểm trên, khi mua bà con chú ý chọn các con chim khỏe, chạy nhảy và ăn uống tốt thì khi nuôi mới có thể phát triển tốt theo ý mình muốn được” – anh Quỳnh tiết lộ.
Anh Quỳnh lưu ý bà con, khi mua về, các chủ trang trại cần chú ý làm chuồng nuôi cho chim cẩn thận, đặc biệt là thiết kế sao cho chuồng nuôi càng tự nhiên càng tốt. Nền chuồng nuôi nên làm đổ xi măng, trên sàn lót cát (dạng cát xây dựng hay cát biển) dày khoảng 20-30mm, xung quanh làm bằng lưới B40 hoặc tre, tầm vong, ván hoặc lưới mắt cáo…mái lá hoặc ngói đảm bảo điều kiện về thông thoáng, khô ráo, đủ ánh sáng, an toàn cho bầy chim. Mỗi chuồng chỉ 1 trống và 3 mái, tối đa 4, 5 mái. Diện tích chuồng: 1.5x2m, cao 1.8-3m.
Theo kinh nghiệm của anh Quỳnh, nên bố trí dãy chuồng theo 2 dãy song song với lối đi ở giữa. Bề ngang lối đi khoảng 1m. Đầu hoặc cuối lối đi của 2 dãy chuồng nên làm 1 cửa ra vào (chú ý: khi ta ra vào dãy chuồng nên đóng cửa lối đi lại. Mỗi chuồng nên làm 1 cửa ra vào nên vừa đủ rộng và chiều cao phù hợp sao cho chúng ta ra vào mỗi chuồng dễ dàng mà chim không bay ra ngoài.
Chim chim trĩ giống trên dưới 1 tuần tuổi được anh Quỳnh nuôi úm trong lồng lưới mắt cáo.
Về vấn đề thức ăn và nước uống nên đặt bên ngoài mỗi chuồng để tối ưu hoá thời gian cho chim ăn, uống. Việc bố trí lối đi ở giữa thuận lợi cho việc cho chim ăn uống, đồng thời cũng giảm tối đa chim bay ra mất do quên đóng cửa chuồng hoặc mình vô chuồng, chim bay ra. Nếu lỡ chim bay ra thì chim vẫn ở lối đi và không thể bay mất được. Khi dọn dẹp chuồng thì mở cửa chuồng cho chim di chuyển vào lối đi, sau khi dọn dẹp xong thì lùa chim vào chuồng lại. Như vậy, ít làm ảnh hưởng đến sinh lý của chimVề thức ăn, bà con nên sử dụng thức ăn của gà thịt (3-4 tháng tuổi) có thể là cám công nghiệp hoặc ngô, thóc. Đồng thời, bổ sung thêm vitamin như rau cỏ, khoáng chất cần thiết cho chim để tăng sức khỏe…nước uống có thể sử dụng nước giếng cho uống và thay nước hằng ngày.
“Bà con có thể mua thêm ruột dừa (ruột trắng bên trong quả dừa) cho chim trĩ ăn, bổ sung chất béo giúp chim mướt lông. Nhưng lưu ý về liều lượng để tránh chim bị tiêu chảy do dư chất béo. Lưu ý: chế độ ăn sao cho phù hợp với phương án nuôi sinh sản hoặc nuôi thịt sao cho chi phí thấp nhất và lợi nhuận mang lại cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ trang trại nuôi các loại chim ở tỉnh Tuyên Quang cho biết: Bà con lưu ý nếu nếu chim trĩ trắng hay mổ nhau, mọi người nên sử dụng thuốc cắn mổ gà (có bán ở các hiệu thuốc thú y) cho chim uống đồng thời tách chim bị cắn ra ngoài vài ngày chuồng riêng. Hoặc sử dụng phương pháp cột chân chim mổ (vì tính thẩm mỹ nếu nuôi làm kiểng không nên sử dụng phương pháp này). Thêm nữa bà con có thể cho chim ăn thêm hoa quả để bổ sung vitamin, khoáng chất sẽ giảm hoặc không còn cắn mổ nhau nữa.
Trĩ trắng giống được vài tuần tuổi được anh Quỳnh tách ra nuôi tại chuồng nuôi riêng biệt.
Cũng theo bà Phương, để nuôi hiệu quả và giữ sức cho chim trĩ trống khi đến tuổi giao phối.Bà con chỉ nên kết hợp nuôi 1 trống với 3 chim mái. “Để không làm ảnh hưởng đến quá trình giao phối của chim, khi xây dựng chuồng trại bà con nên chọn vị trí tránh nơi tiếng ồn, ô nhiễm, đặc biệt khi chim giao phối bà con không tập trung đông người xem” – bà Phương chia sẻ.
Bà Phương cho biết thêm, chim trĩ trung bình sau khi nuôi khoảng 7 tháng có thể đẻ. Trong điều kiện chăm sóc tốt có thể đẻ từ tháng thứ 6. Thời gian đẻ trứng trung bình từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch và từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Tùy theo điều kiện khí hậu từng vùng mà chim trĩ có thể đẻ sớm hay muộn hơn 1-2 tháng. Nếu chăm sóc tốt chim có thể kéo dài thời gian đẻ. Một con mái có thể đẻ trung bình 70-90 trứng/năm. Trứng nở 23-24 ngày. Tỷ lệ nở phụ thuộc vào chất lượng chim cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến phôi trứng và phương pháp ấp trứng.