Tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cuộc tập trận kéo dài 3 ngày, kết thúc vào ngày 23.8, chỉ chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Giới quan sát hàng hải nhận định, cuộc tập trận được tổ chức nhằm thể hiện năng lực của Trung Quốc trong việc huy động và kết hợp lực lượng quân sự và dân sự ở vùng biển.
Cuộc tập trận được cho là nhằm gửi thông điệp đến Mỹ, trong bối cảnh Washington muốn đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G-20.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự G-20 và dự định đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị này, như đã từng làm trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm ngoái ở Philippines.
Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu hộ tống, tàu quét mìn, tàu đổ bộ, máy bay của hạm đội Nam Hải cùng 13 tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển. Hơn 10 tàu đánh cá cũng tham gia cuộc diễn tập, theo thông tin đăng tải trên tạp chí của Hải quân Trung Quốc.
“Hệ thống hoạt động kết hợp giữa các lực lượng hải quân, hải cảnh và ngư dân địa phương đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây thông qua các cuộc tập trận chung", tạp chí Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu cá trong mưu đồ xâm chiếm Biển Đông.
Theo đó, hơn hàng chục tàu đã chia thành 2 đội để diễn tập với 20 kịch bản, trong đó có các cuộc tấn công giả định và bảo vệ giàn khoan.
Báo Úc hồi tháng 5 từng tiết lộ Trung Quốc đã sử dụng và huấn luyện ngư dân như một lực lượng bí mật, đi xâm chiếm và xây dựng đảo trái phép, âm mưu tạo “tam giác sắt” trên Biển Đông.
Các ngư dân trên đảo Hải Nam, Trung Quốc chính là chiến sĩ tuyến đầu trong trong thế trận chiếm đoạt Biển Đông. Hoạt động như một lực lượng du kích với danh nghĩa là thường dân, các ngư dân Trung Quốc chiếm giữ và giúp xây dựng đảo trái phép trong vùng biển tranh chấp.
Hồi đầu tháng trước, chính phủ Nhật Bản đã hết sức giận giữ khi Trung Quốc xua hơn 200 tàu cá cùng các tàu hải cảnh, xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.