Hôm nay (5.9), 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới 2016-2017.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2016-2017, cả nước có 22,5 00 triệu học sinh, sinh viên sinh viên đại học, cao đẳng khai giảng năm học mới.
Cũng như năm học 2015-2016, năm nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đều khai giảng chung một ngày duy nhất với nội dung đơn giản, không rườm rà, không có những bài phát biểu dài dòng của lãnh đạo.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay, khai giảng trên tinh thần ngắn gọn, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới. Khai giảng sẽ có các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca (không sử dụng băng lời bài hát), đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng (ngắn gọn), đánh trống khai trường, tổ chức đón học sinh đầu cấp.
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước thống nhất tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2016-2017 vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 5/9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Lễ Khai giảng bao gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước…
Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường. Nhà trường tổ chức trang trí khuôn viên sư phạm sạch, đẹp, có khẩu hiệu chào mừng năm học và thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới, ngành giáo dục sẽ tập trung vào 9 nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.