Nông dân hưởng lợi rất ít
Giá rau xanh, thịt lợn, gà liên tục tăng trong thời gian này, mà nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rằng nông dân được hưởng hết. Thực tế, qua khảo sát của phóng viên NTNN, người nông dân chỉ được hưởng lợi rất ít trong sự tăng giá đó. Cụ thể, riêng giá dịch vụ chiếm tới hơn 40% giá cả mà người tiêu dùng phải trả cho từng bó rau, cân thịt.
Theo anh Phạm Hữu Dũng (xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên)- người hiện nuôi 200 con lợn thịt, lãi mà nông dân đang được hưởng thực tế chỉ là “lấy công làm lãi”. Anh Dũng phân tích: “Hiện giá lợn hơi đang nằm ở ngưỡng 49.000 - 52.000 đồng/kg, với giá này, người chăn nuôi lãi 1 - 3 giá (1 giá bằng 1.000 đồng), trong khi đó giá cám vẫn tăng 30.000 đồng/bao 25kg.
Như vậy, trừ phần giá cám tăng, lợi nhuận thực tế mà người nông dân được hưởng chỉ còn 1 - 2 giá”. Anh Dũng nhẩm tính, thực tế với giá lợn hơi như hiện nay, thì giá thịt chỉ cần bán với giá 80.000 - 85.000 đồng/kg là có lãi rồi. Tuy nhiên, giá thịt lợn được bán lẻ tại các chợ hiện dao động từ 95.000-115.000 đồng/kg tùy từng loại. Điều đó có nghĩa khâu dịch vụ ăn lãi tới 15-20 giá, gấp cả trên chục lần so với số lãi mà người nông dân được hưởng (1- 2 giá).
Mặc dù giá gà, lợn có tăng so với trước, nhưng người chăn nuôi chỉ lãi chút ít, chủ yếu vẫn lấy công làm lãi. |
Cũng giống như những người nuôi lợn, dù giá cả đang tăng, nhưng người nuôi gà cũng được "ăn" rất ít trong đợt tăng giá này. Ngồi tính toán với anh Nguyễn Văn Toán, ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc)- hiện đang nuôi gần 9.000 gà thịt, mới thấy người nông dân chẳng được lời là bao nhiêu.
Anh Toán tính, nếu lấy giá cám là 270.000 đồng/bao 25kg, thì giá gà 47.000 - 48.000 đồng/kg mới là hòa vốn. Còn khi giá cám tăng 2 - 3 giá thì giá gà phải tăng thêm 1 giá mới cân bằng. Song trên thực tế, giá cám bây giờ đã tăng thêm 30.000 đồng/bao 25kg (tức tăng 30 giá), trong khi đó giá gà chỉ tăng lên 51.000 đồng/kg, tức tăng 3 giá. "Như vậy, trừ tiền chênh lệch với giá cám, thực chất người chăn nuôi chỉ được lãi rất ít trên mỗi kg gà. Và tiền lãi thực tế ở đây là chính công sức do mình bỏ ra"- anh Toán nói.
Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã gặp một số thương lái chuyên thu gom lợn của dân ở xã An Nội, huyện Bình Lục (Hà Nam). Khi được chúng tôi hỏi, các anh được lãi bao nhiêu tiền cho mỗi con lợn khi thu mua của dân, anh Hoàng Văn Thế - một thương lái ở đây thật thà cho biết:
"Chúng tôi chỉ đi thu gom lợn trong dân, rồi bán lại ngay cho các chủ hàng lớn chở đi bán cho các lò mổ ở Hà Nội và cũng chỉ "ăn" được 1-2 giá là cùng thôi". Nghĩa là, nếu mua 50.000 đồng/kg, thì bán ra được 51.000-52.000 đồng/kg. Tính ra mỗi con lợn độ 70-80kg, thì cũng lãi được 80.000-150.000 đồng.
Quá nhiều khâu trung gian
Không chỉ có mặt hàng thực phẩm, giá các loại rau xanh, quả tươi cũng đang liên tục tăng giá trong thời điểm này. Theo khảo sát của phóng viên NTNN, hiện giá một số mặt hàng thực phẩm ở Hà Nội cao hơn rất nhiều so với giá cả người nông dân bán ra. Chẳng hạn, đối với rau su hào ở nhiều chợ Hà Nội đang bán từ 6.000 - 8.000 đồng/củ, trong khi người nông dân ở một số vùng trồng rau như Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức... của Hà Nội bán tại ruộng chỉ 3.000 - 4.000 đồng (tức tăng 100%); bắp cải, nông dân bán 8.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng tại các chợ Hà Nội bán 15.000 - 18.000 đồng/kg...
Ông Đặng Quang Tạo - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, dù giá rau xanh trên địa bàn xã đã tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 8 như su hào 15.000 đồng/kg; bắp cải 12.000 đồng/kg, cà chua bi 6.000 đồng/kg, song người dân cũng không có lợi nhuận cao do thời tiết năm nay có diễn biến bất thường, nên năng suất thấp; trong khi đó giá các loại vật tư, giống má đều tăng...
Tương tự, giá thịt lợn tại chợ hiện được bán với giá 95.000-110.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi chỉ bán được khoảng 70.000-75.000 đồng/kg móc hàm. Giá gà ta cũng vậy, người dân bán tại chuồng chỉ có 80.000 đồng/kg (gà ngon), nhưng ra đến chợ, giá này đã được "đội" lên 110.000-120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn lên đến 150.000 đồng/kg.
Lý giải điều này, TS Trần Công Thắng - Trưởng Bộ môn Chính sách và chiến lược, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho biết, muốn biết được chính xác người dân được hưởng lợi bao nhiêu hay ai là người được hưởng lợi lớn nhất cần phải phân tích cả một chuỗi giá trị, từ sản xuất đến khâu thu mua lẻ...
Theo ông Thắng, hiện các khâu trung gian rất khó xác định, vì mỗi một loại mặt hàng lại có nhiều cấp trung gian khác nhau (khoảng 5 cấp - xem biểu đồ).
“Trước đây, chúng tôi đã tiến hành điều tra về từng kênh, từng sản phẩm, chế biến hay không chế biến. Tuy nhiên, thông thường cho thấy trung gian ăn ít hơn bán lẻ nhưng họ lại giao luôn cho bán lẻ và thường ăn về số lượng. Ví dụ, khi họ lấy gạo, lấy gà thu gom từ nông dân, họ lại bán lại cho nhiều người bán lẻ ở thành phố để ăn chênh lệch chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg đối với gà nhưng chỉ vài trăm đồng con đối với thóc, gạo nhưng với số lượng lớn họ lại được lời rất nhiều”- ông Thắng phân tích.
Việt Tùng - Thanh Xuân