Dân Việt

"Không nên đoạn tuyệt với việc dạy chữ Hán cho HS"

Ngọc Phạm 05/09/2016 14:09 GMT+7
Chúng ta không nên đoạn tuyệt hoàn toàn với việc dạy chữ Hán cho học sinh, nhưng cũng không nên phổ cập dạy chữ Hán cho học sinh ở tất cả các cấp học.

img

Tập thơ “Nhật ký trong tù” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng chữ Hán. (Ảnh tư liệu)

Những ngày qua, cuộc tranh luận “Có nên dạy chữ Hán cho học sinh hay không?” đã làm “nóng” các diễn đàn mạng. Các ý kiến tranh luận xuất phát từ bài tham luận của PGS.TS. Đoàn Lê Giang tại hội thảo “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Theo đó, ông Giang cho rằng: Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường là một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam.

Trước những tranh luận “nảy lửa” trên các diễn đàn mạng, PGS.TS. Đoàn Lê Giang đã có những chia sẻ để tạm kết cuộc tranh luận. Theo ông Giang, ít ai đọc hết tham luận của ông và không phải ai cũng hiểu hết những kiến thức chuyên ngành trong bài tham luận, nên đã dẫn tới những ý kiến đối lập. Tất nhiên cũng có nhiều người phân tích, trình bày một cách có lý lẽ.

“Ít ai đọc hết tham luận của tôi. Hơn nữa tham luận của tôi được trình bày trong hội thảo chuyên ngành, nhiều kiến thức được coi là đương nhiên, nhiều tiền giả định bị lược bỏ, nhiều kết luận đã lược bỏ qua phần lập luận... nên người đọc phải có kiến thức cơ sở một chút mới hiểu đúng”, ông Giang cho biết.

Về cuộc tranh luận này, PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cuộc tranh luận không chỉ liên quan đến các vấn đề chuyên môn (ngôn ngữ học, Hán Nôm) mà cả phi chuyên môn (quan điểm chính trị, quan hệ cá nhân). Và nhiều trường hợp do không thống nhất với nhau về khái niệm, nội dung tranh luận nên đã dẫn đến hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt”.

“Tôi cho rằng việc học và biết thêm chữ Hán là cần thiết không phải vì nó ưu việt hơn chữ quốc ngữ mà nó giúp cho chúng ta hiểu biết thêm về tiếng Việt và vốn văn hóa cổ của cha ông. Chúng ta không nên đoạn tuyệt hoàn toàn với việc dạy chữ Hán cho học sinh, nhưng cũng không nên phổ cập dạy chữ Hán cho học sinh ở tất cả các cấp học”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn nêu quan điểm.

img

Nguyên bản bài thơ “Nam quốc sơn hà” bằng tiếng Hán và các bản phiên âm, bản dịch. (Nguồn: Wikipedia)

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn, tùy theo trình độ học vấn, trình độ tiếng Việt và yêu cầu của công việc mà xem xét tới sự cần thiết phải học hay không học chữ Hán, hoặc học ở trình độ nào. Chẳng hạn với học sinh THCS và tiểu học thì không nên dạy chữ Hán mà chỉ tập trung vào việc dạy từ ngữ Hán Việt theo mức độ từ dễ đến khó.

Đối với học sinh THPT, bước đầu có thể dạy chữ Hán với khoảng 1.000 chữ, tức hơn 300 chữ/năm. Hình thức giảng dạy có thể là bắt buộc với phân ban khoa học xã hội, và tự chọn cho các phân ban khác.

Ông Trần Tư Bình, một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học và là đồng tác giả cuốn “Chữ Việt Nhanh” đánh giá: Bất kỳ đề xuất thay đổi nào trong hệ thống giáo dục cũng đều có nhiều cách nhìn khác nhau, thậm chí đối lập nhau, và đề xuất “Dạy chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” cũng không ngoại lệ.

“Học chữ Hán ở bậc tiểu học hay trung học đều có ưu và khuyết điểm riêng của nó. Người Nam Hàn và người Bắc Hàn đều học chữ Hán ở bậc tiểu học và trung học, nhưng dễ thấy trình độ văn hóa và văn minh giữa hai nước này khác nhau. Còn tại Việt Nam, việc dạy chữ Hán nên áp dụng bắt buộc đối với các sinh viên đại học ngành Ngữ Văn dù ở trong bất kỳ thời đại nào”, ông Bình nói.

“Qua các bài viết thảo luận trực tiếp của ông Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đình Chú, Lê Xuân Thại, Đoàn Lê Giang,... thì khái niệm “chữ Hán” ở đây phải được hiểu là chữ Hán (hay còn được gọi là chữ Nho) trong các văn bản cổ mà Trung Quốc gọi là văn ngôn. Học chữ Hán không chỉ là học để biết cách đọc, viết và hiểu nghĩa các từ, mà còn phải học cách viết, đọc và hiểu các văn bản”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn phân tích về khái niệm “chữ Hán” trong trường hợp này.