Thưa ông, trong bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây đã nêu rõ nợ công đến hết năm 2015 là 58% GDP, năng suất lao động thấp, làm không đủ trả nợ, đất nước đang đi vay nợ để trả nợ. Theo ông vấn đề nợ công của Việt Nam có đáng báo động hay không?
- Xét về mặt kinh tế, đây là vấn đề lớn của bất kỳ nền kinh tế nào. Nợ nói chung và nợ công của quốc gia đang tăng lên. Ở đây nói tới nợ công là cả nợ vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ. Rõ ràng, nợ công theo đúng quan điểm của cộng đồng quốc tế và các quốc gia nói chung theo nền kinh tế thị trường thì nợ công của chúng ta đang rất lớn, trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta sử dụng vốn đi vay không hiệu quả, việc trả nợ cực kỳ khó khăn. Như vậy, có thể thấy là chúng ta không trả được phải đi vay mới để trả nợ cũ, nói văn hoa là tái cấu trúc nợ vay. Tức là mức vay mới có lãi suất thấp hơn…thời gian dài hơn để trả nợ cũ.
Rõ ràng, với bất kỳ chủ thể kinh tế nào và với cả quốc gia thì đây là điều rất nguy hiểm. Ngay trong gia đình, đi vay không trả nợ được sẽ rất nguy hiểm. Tới một lúc nào đó không trả được nợ, bảo kê hay “xã hội đen” chuyên cho vay nặng lãi sẽ tới siết cổ. Còn khoản nợ công cũng tương tự, một lúc nào đó dẫn tới phá sản thì các tổ chức nước ngoài sẽ siết cổ chúng ta. Từ đó làm mất tự chủ về an ninh kinh tế và dẫn tới phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ nợ cũng như phương thức đầu tư phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Bài học như Hi Lạp và một số nước đang oằn mình trả nợ công, nếu Việt Nam vẫn dấn sâu vào việc này thì ngày vỡ nợ sẽ không xa.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhắc tới tồn tại của Việt Nam là hiện có tới 63 nền kinh tế, ông đánh giá như thế nào khi đất nước có nhiều nền kinh tế như thế?
- Tôi cho rằng không chỉ 63 nền kinh tế mà nhiều nền kinh tế lắm. Mỗi một tập đoàn kinh tế, một bộ, ngay cả Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng trở thành một nền kinh tế riêng biệt. Rõ ràng các “nền kinh tế” có mặt mạnh, mặt yếu mà chúng ta không biết hết. Đó là điều cực kỳ đáng lo ngại. Ở đây nó liên quan tới vấn đề quy hoạch phát triển của nền kinh tế, thiếu chỉ đạo tập trung và quy hoạch tổng thể, ngành nghề gì, đặt ở đâu, như thế nào…vẫn thiếu một “nhạc trưởng”.
Đúng ra thì chúng ta cũng có các kế hoạch nhưng các địa phương, ban ngành, tập đoàn lớn tự cho mình quyền quyết định dự án, còn những người cầm cân nẩy mực để ra quyết sách cho hoạt động của nền kinh tế trong thời gian qua chạy theo ý muốn của các ban ngành. Vì thế, địa phương nào cũng muốn xây sân bay, cứ vài trăm cây số có cảng nước sâu thì quả thực không có quốc gia nào tồn tại như thế. Đi kèm với nó là sự lãng phí, rõ ràng vai trò quyết định của nhà nước không còn nữa vì địa phương này xin được, địa phương kia cũng xin được đâu còn quy hoạch tổng thể nữa, từ đó phá vỡ toàn bộ kế hoạch cũng như quy hoạch. Cuối cùng, ngay cả địa phương cũng chẳng có quy hoạch gì.
Do đó, đầu tư sản xuất cứ theo mong muốn của địa phương, tập đoàn để lộ ra các kẽ hở tham ô, tham nhũng…đầu tư dự án cốt để có được cái gì cho bản thân, cho địa phương, cho nhóm của mình là rất nguy hiểm.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh năm 2015 Việt Nam đứng vị trí 122/168 quốc gia về mức độ cảm nhận tham nhũng, làm chao đảo nền kinh tế. Cảm nhận đó theo ông có không và có cụ thể tới mức nào?
- Tôi cho rằng, bất kỳ người dân Việt Nam nào khi hỏi họ cũng nói có nhiều vấn đề về tham nhũng. Tham nhũng có thể về quyền lực, đưa người này và người kia vào một nhóm nhưng tất cả đều mong muốn gặt hái được kinh tế. Nếu nói để có được một minh chứng hay đưa ra đầy đủ có bài bản, cơ sở về tham nhũng tương đối khó. Thường một cá nhân không làm được mà phải có một nhóm lợi ích, có đường dây cấu kế với nhau, lợi dụng quan hệ quen biết, quan hệ ngành nghề, móc lối với nhau để đạt được mục tiêu, từ đó có lợi ích kinh tế. Do đó, việc để chỉ ra được tham nhũng là khó.
Tuy nhiên, các nhà quản trị phải hoạch định được chính sách để các công việc, mối quan hệ tương đối rõ ràng, được giải quyết trên cơ sở của chế tài mang tính pháp lý. Nếu được công khai rõ ràng, đầy đủ, tỉ mỉ thì việc lợi dụng kẽ hở, chức quyền, mối quan hệ…sẽ giảm đi. Tức là phải tạo ra cơ chế để người muốn tham nhũng cũng khó tham nhũng được. Mặt khác, nếu cố làm sẽ bị phát hiện ngay. Đi kèm với nó là chế tài xử lý rõ ràng. Ngoài ra, liên quan tới tham nhũng của cán bộ, công chức phải làm sao để họ có đồng lương đủ sống để khi họ vào vị trí nào đó thấy được đãi ngộ thỏa đáng sẽ không muốn bị “bắn ra” khỏi vị trí đạt được.
Xin cảm ơn ông!