Hai năm hoạt động tại Việt Nam, với hàng vạn đầu xe, góp phần tạo ra một xu hướng di chuyển mới, thu hút hàng chục triệu lượt người dùng, song cơ quan thuế Việt Nam chưa thu được một đồng tiền thuế từ dịch vụ Uber Taxi. Phải chăng, đội ngũ cố vấn thuế của Uber quá giỏi để lạng lách, đánh võng qua những khe hở của chính sách thuế Việt Nam?
Cách thức để Uber qua mặt các cơ quan thuế Việt Nam thực ra chỉ đơn giản là tạo ra cảm giác phức tạp để kéo dài thời gian hưởng lợi nhờ sự… bối rối của các cơ quan chức năng. Đầu tiên, Uber tạo ra một cơ cấu tổ chức lắt léo - Uber B.V (Hà Lan) là đơn vị điều hành dịch vụ vận tải trực tiếp, còn Công ty TNHH Uber (Việt Nam) chỉ có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ cho các đối tác vận tải.
Hai năm hoạt động ở Việt Nam nhưng dịch vụ taxi Uber chưa từng phải đóng thuế.
Tiếp theo, Uber không thừa nhận mình là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, mà chỉ cung cấp dịch vụ kết nối khách hàng, vì thế, sẽ không chịu phần thuế cho dịch vụ vận tải. Về lý thuyết, điều này không sai. Tuy nhiên, trên thực tế Uber cung cấp dịch vụ kết nối để các đối tác của Uber thực hiện việc kinh doanh vận tải. Do đó, các đối tác của Uber, những cá nhân, doanh nghiệp cung cấp phương tiện vận tải để kinh doanh trên hệ thống của Uber sẽ là pháp nhân phải đóng thuế.
Sẽ không có vấn đề gì xảy ra, và nhà nước vẫn có thể thu được khoản thuế từ các cuốc xe Uber nếu như Uber chỉ cung cấp dịch vụ kết nối cho những cá nhân, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, và kê khai thuế. Song, như thế sẽ không phải Uber, vì Uber chỉ có lợi thế cạnh tranh khi áp dụng chiến lược phát triển thị trường của Uber là tận dụng được lượng xe cá nhân nhàn rỗi trong xã hội, tức là từ những chủ xe không đăng ký kinh doanh vận tải.
Về mặt nguyên tắc, Uber vô can khi các chủ xe đó kinh doanh trái phép. Chuyện thuế má, vì thế, là chuyện của cơ quan thuế và các cá nhân kinh doanh trái phép. Dĩ nhiên, chẳng thể nào có thể thu được thuế trên doanh thu của những người không đăng ký kinh doanh. Vấn đề là vì sao những chủ xe tham gia Uber lại có thể tự tin để hoạt động mà không hề lo lắng về nguy cơ trở thành tội phạm thuế?
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, chỉ bên nào nhận tiền và chi trả thu nhập thì mới phải có trách nhiệm kê khai khấu trừ thuế và nộp lại cho cơ quan thuế. Và điều oái oăm trong câu chuyện này là chủ xe, tài xế không trực tiếp nhận tiền, 100% tiền cước được khách hàng trả thẳng cho Uber để Uber điều tiết trở lại cho chủ xe. Như vậy, dù Uber không thừa nhận là doanh nghiêp kinh doanh vận tải, song trên thực tế thì 100% chi phí vận tải của khách hàng đều do Uber nhận.
Hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối vận tải là một ngành nghề mới mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh chi tiết, nhưng đó là thời điểm mà Uber mới bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam, năm 2014. Sự bối rối của cơ quan thuế, trên thực tế cũng đã không còn, khi mà Grab, và Vinasun đã trình và được thông qua đề án thí điểm hoạt động này. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối chỉ được ký hợp đồng với những đối tác doanh nghiệp và hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải (không được hợp tác với hộ kinh doanh), và chỉ thu về khoản tiền cung cấp dịch vụ qua tài khoản đăng ký trong lãnh thổ Việt Nam (tức là không phát sinh bất cập do chuyển tiền qua biên giới) và có trách nhiệm đóng thuế.
Trong số ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, Uber là doanh nghiệp duy nhất không có đề án được công nhận để hoạt động. Uber (Hà Lan) từ chối đáp ứng yêu cầu về kinh doanh dịch vụ vận tải – loại hình kịnh doanh có điều kiện, do đó nghiễm nhiên không chịu sự ràng buộc như các doanh nghiệp hoạt động theo đề án, tức là không cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Trở lại với câu hỏi: Phải chăng đội ngũ cố vấn thuế của Uber quá giỏi để có thể lèo lái doanh nghiệp này lạng lách đánh võng qua mặt các cơ quan thuế Việt Nam? Câu trả lời là không phải! Uber có thể hoạt động hai năm mà không nộp một đồng thuế nào chỉ đơn giản nhờ vào sự lười biếng của các cơ quan chức năng Việt Nam. Bởi, nếu như các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực thanh tra, phát hiện, xử lý những trường hợp chủ xe tham gia Uber mà không đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, chắc chắn Uber sẽ không thể thản nhiên hoạt động một cách tự do mà không cần đăng ký pháp nhân tại Việt Nam và phớt lờ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Uber không có khả năng để qua mặt cơ quan thuế, song Uber có thể đứng ngoài chính sách thuế của Việt Nam khi mà các cơ quan quản lý Nhà nước cố tình nhắm mắt trước Uber.