Dân Việt

Dự án thép của Hoa Sen có cạnh tranh được với thép Trung Quốc?

Thanh Xuân (ghi) 07/09/2016 11:11 GMT+7
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã được Hội nghị cổ đông bất thường thông qua kế hoạch đầu tư vào siêu Dự án thép tại Cà Ná, Ninh Thuận. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia kinh tế với nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu thép của Hoa Sen có đủ sức cạnh tranh với thép tồn kho của Trung Quốc?...

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, “Tôi thấy điều rất kinh khủng là sử dụng chuyên gia Trung Quốc vừa làm vụ Formosa để tư vấn, đánh giá về dự án này. Tại sao không sử dụng chuyên gia Việt Nam hoặc các chuyên gia của các nước khác. Chẳng nhẽ Tôn Hoa Sen không biết Formosa mà lại làm việc kỳ quặc thế”.

Ông Lê Đăng Doanh cũng cho biết, Hội nghị G20 vừa mới kết thúc vào đêm qua (5.9),  mà ở đó cả thế giới thảo luận vấn đề về thép. Đặc biệt, với việc Trung Quốc  có công suất sản xuất thép tới 1.200 triệu tấn mỗi năm nhưng chỉ dùng  600 – 700 triệu tấn/năm và đang tìm thị trường để tiêu thụ xuất khẩu 600 triệu tấn thép còn tồn kho.

“Nếu Hoa Sen xây thêm dự án thép có cạnh tranh được với thép tồn kho của Trung Quốc hay không? Trong khi đó, các Hiệp định thương mại tự do với ASEAN thuế về 0% và các hiệp định với Trung Quốc có hiệu lực thuế mặt hàng thép cũng sẽ giảm dần về 5% liệu có cạnh tranh được? Đặc biệt, cái người ta băn khoăn nhất là ở vùng đất Ninh Thuận khô hạn như thế làm gì có nước để làm thép.

img

Cùng chung quan điểm trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng, việc đầu tư vào các dự án thép cũng như dự án khác, đang là bài toán rất khó với Việt Nam cũng như thế giới. Về thu hút đầu tư, với dự án đầu tư lớn như HSG, các địa phương rất dễ bị xiêu lòng cũng như làm xiêu lòng người đứng ra phê duyệt dự án đó. Tất nhiên, ở dự án thép có nhiều vấn đề quan tâm chứ không chỉ môi trường.

Chỉ riêng đối với môi trường đã rất quan trọng vì dự án thép là dự án sử dụng nhiều điện, nước, xả thải ra môi trường có nguồn gây ô nhiễm rất lớn. Vì thế, rất nhiều các quốc gia như Nhật Bản, Singapore hay các quốc gia phát triển lâu đời đều tìm cách di chuyển nhà máy luyện cán thép sang các nước kém phát triển hơn. Bởi việc xảy ra ô nhiễm là chắc chắn dù có được xử lý rất tốt thì vẫn có ô nhiễm, chỉ là ít hay nhiều thôi.

“Các dự án thép đòi hỏi sự tham vấn của các cơ quan chức năng tham gia ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó đảm bảo an toàn cao cho các quốc gia nhận đầu tư. Rõ ràng, quá trình thẩm định các dự án này gần như do các địa phương hoặc những người chưa đủ trình độ thẩm định. Do đó, khi thẩm định phải trên cơ sở khoa học hoặc khả năng thực tiễn hoặc công nghệ thì mới ổn”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, về năng lực tài chính, rõ ràng nhiều người phải đặt câu hỏi HSG lấy đâu ra số vốn lớn như vậy, hơn 10 tỷ USD, nếu vay thì vay ở đâu và vay với cơ chế như thế nào để đảm bảo tiến độ của dự án. Nếu hiện tại có thể dễ vay nhưng sau này không vay được sẽ ảnh hưởng tới dự án chậm tiến độ và dẫn tới dự án không có hiệu quả…

Trước đây, một số nhà đầu tư đưa nhà máy luyện cán thép vào Việt Nam như nhà máy luyện cán thép ở Hải Dương, họ đủ năng lực thực hiện nhưng do không đủ hiểu biết công nghệ và lần đầu tham gia vào dự án thép nên việc xem xét dự án,  …không đạt yêu cầu cần thiết. Do đó, việc triển khai dự án đúng thời hạn nhưng năng suất lao động rất thấp, chất thải, nước thải, không khí…là cả bài học lớn cho Việt Nam.  

Đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại việc thu hút đầu tư sạch, từ đó có khuyến khích đầu tư vào ngành nghề tạo ra sức bật mới cho địa phương. Còn với một dự án luyện cán thép của HSG vẫn chưa thể chắc được có kiểm soát hết nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường thì cần xem xét lại có nên ưu đãi nhiều như thế hay không? Theo tôi, một dự án thép đưa ra trong thời điểm Việt Nam nhận được một bài học từ Formosa thì cần phải xem xét một cách cẩn trọng trước khi phê duyệt”, ông Thịnh nhấn mạnh.