Dân Việt

12 tỷ đồng "chữa bệnh" cho cầu vượt nứt toác ở Sài Gòn

Dương Thanh 07/09/2016 15:25 GMT+7
Với kinh phí xây dựng hơn 29 tỷ đồng, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục hư hỏng cây cầu này, Sở GTVT TP có văn bản kiến nghị TP đồng ý chi hơn 12 tỷ đồng để sửa chữa.

img

Thanh dầm với trụ cầu bị hở, nứt khá lớn

Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo UBND TP về tình trạng hư hỏng kết cấu trụ, dầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh).

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài 548m được xây dựng với kinh phí hơn 29 tỷ đồng do công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong (Công ty TNXP) làm chủ đầu tư. Công trình được đưa vào khai thác từ tháng 4.2002. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng, cây cầu này đã nhiều lần hư hỏng, xuống cấp. Đến nay, sau hơn 10 năm khai thác thì cầu xuống cấp trầm trọng, đe dọa đến an toàn của người tham gia giao thông.

Ghi nhận của phóng viên dưới gầm cầu, nhiều mảng tường, bê tông đã bị nứt toác, bể nát. Nhiều khu vực tường bị thủng lỗ lớn cao hơn 2m rộng hơn 1m, bê tông, xi măng rơi khắp nơi. Ngay tại những lỗ hổng này, các thanh thép bị hoen rỉ lòi hẳn ra ngoài, vài thanh đã đứt gãy mất kết nối. Trên mặt cầu, có đoạn cơ quan chức năng dùng tấm thép để kết nối hai đoạn thành cầu có dấu hiệu bị nứt.

img

img

Nhiều mảng tường, bê tông dưới gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã bị nứt toác, bể nát.

Theo ghi nhận của Sở GTVT cùng các đơn vị kiểm tra hiện trường, phần đà kiềng đỡ tường gạch thuộc khoanh giữa trụ T23-T24 có vết nứt gãy. Phần tường gạch khoang giữa trụ T22, T23, T24 bị sụp đổ. Phần bê tông trụ bị gãy, phần xà mũ trụ bị nứt gãy và tách rời ra khỏi phần dầm bản phía trên. Phần lan can cầu phía trên khoang T22-T23 cũng đã xuất hiện vết nứt dọc tương tự như của tường gạch và đà kiểng.

img

Từ khi đưa vào khai thác năm 2002 đến nay cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã xảy ra nhiều sự cố lún, nứt

Trước tình hình này, Sở GTVT đã giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thực hiện phong tỏa một làn đường và cấm một phần đường chờ cơ quan chức năng kiểm định. Các loại xe khách 16 chỗ và xe tải trên 1,5 tấn sẽ cấm qua cầu trong khoảng thời gan từ 22 giờ. Việc phân luồng được tổ chức với làn đường bên trái cho ô tô con, ô tô khách từ 16 chỗ trở xuống, ô tô tải có tổng tải trọng (cả xe cộng hàng) từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông. Làn đường giữa: dành cho xe 2 và 3 bánh. Làn đường bên phải: cấm hoàn toàn lưu thông.

Đồng thời Sở GTVT cũng yêu cầu Khu 2 khẩn trường khắc phục sửa chữa, gia cố tạm thời, neo đỡ dầm ngang gối lên trụ T23 bằng thép I450 và thay thế một phần tường chắn gạch bị sụp đổ.

Sở chỉ đạo Khu 2 chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan nghiên cứu giải pháp xử lý triệt để các hư hỏng, đảm bảo khả năng chịu lực và khai thác theo thiết kế 30 tấn.

Theo Sở GTVT, do tính chất cấp bách của công trình, Sở này đã bố trí vốn, giao Khu 2 sửa chữa các hư hỏng với tổng mức đầu tư dự kiến 12,27 tỉ đồng từ nguồn vốn đảm bảo giao thông năm 2016. Sở kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu của dự án theo quy định. Kiến nghị TP giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ghi vốn bổ sung vào nguồn vốn thực hiện các công trình nhỏ, cấp bách thuộc ngành giao thông vận tải để sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo Sở GTVT TP, từ năm 2002-2007, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh liên tục xảy ra sự cố công trình nên công tác tiếp nhận bàn giao công trình từ chủ đầu tư là Công ty TNXP chưa được thực hiện. Năm 2007, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP về giải quyết dặm vá, bù lún nền mặt đường cầu Nguyễn Hữu Cảnh, Sở GTVT mới nhận tạm thời công trình và giao cho Khu 2 quản lý, bảo trì.

Trong suốt thời gian nhận tạm công trình này, Sở đã nhiều lần sửa chữa, duy tu. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý chính thuộc về Công ty TNXP.

Đầu năm 2015, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về xử lý, quản lý khai thác công trình xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài (nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh), Sở GTVT phối hợp với công ty TNXP hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiếp nhận và bàn giao chính thức công trình trong tình trạng cầu vượt không còn “lành lặn” từ chủ đầu tư.