Dân Việt

Nhiều doanh nghiệp chỉ làm nông nghiệp để... từ thiện

Lê San 08/09/2016 12:00 GMT+7
Ngày 8.9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong nông thôn mới với chủ đề: “Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, nông nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ. Nguyên nhân của những hạn chế yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới % các doanh nghiệp được điều tra.

Trong khi đó cơ cấu của các doanh nghiệp nông lâm thuỷ sản chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đến trên 96%. Vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, gồm cả đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ ở mức khiêm tốn hơn 30.000 tỷ đồng năm 2014. Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng hơn 5% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước năm 2014.

Ông Võ Trí Thành – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứ và Quản lý Kinh tế  Trung ương đánh giá: “Hiện nay chỉ có rất ít doanh nghiệp làm nông nghiệp, thậm chí các đại gia tham gia vào làm nông nghiệp, có người bảo chỉ làm nông nghiệp vì từ thiện. Tại sao lại để nỗi buồn đó xảy ra. Tại sao lại để người ta định giá nông nghiệp thấp như vậy. Theo tôi, hiện nay có 4 vấn đề với nông nghiệp. Thứ nhất là quyền tài sản, tài sản trong luật đất đai, vì hầu hết các doanh nghiệp tham gia nông nghiệp đều rất khát nguồn đất sản xuất. Thứ hai là môi trường cạnh tranh, thị trường đầu vào vẫn rất khó khăn. Thứ ba, sự méo mó của thị trường vốn, đất đai, lao động. Thứ tư, chi phí giao dịch cao”.

“Sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, phụ thuộc vào chu kì sản xuất, độ co dãn của tiêu dùng nông sản lại rất nhỏ. Bảo hiểm về nông nghiệp đã triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả. Thực hiện theo mô hình liên kết, các doanh nghiệp trong chuỗi lại không hợp tác với nhau. Hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa bền chặt. Muốn giải quyết được những khó khăn này, cần thay đổi cách thức hỗ trợ của nhà nước. Chủ yếu là tạo môi trường chung, chỉ đầu tư vốn vào những lĩnh vực có tính lan toả cao như kết cấu hạ tầng, công nghệ…Còn doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Nếu rủi ro nhà nước sẽ chịu một phần còn doanh nghiệp làm ăn có lại phải trả lại khoản đầu tư nhà nước đã hỗ trợ” – ông Thành đề xuất

Ông Lê Văn Tám – Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn cho rằng hiện cơ chế hiện nay chưa đặt đúng vị trí của doanh nghiệp. Chính sách đã có rồi, chủ trương đã có rồi, chỉ cần tạo điều cho doanh nhân được đầu tư, được phát triển, hỗ trợ lại chính người nông dân. Đưa người nông dân vào các tổ nhóm HTX, sản xuất theo hình thức thức liên kết, công nghệ cao. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.