Lãnh đạo các nước ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh tại Lào ngày 7.9
Ngày 8.9, các nhà lãnh đạo ASEAN đã “giảm tông” khi nhắc đến căng thẳng Biển Đông trong một tuyên bố với các từ ngữ rất cẩn trọng trong một hội nghị thượng đỉnh. Thế nhưng trước khi tuyên bố này được đưa ra, Bắc Kinh đã tỏ thái độ tức giận với các quốc gia ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN, cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cùng “khẳng định sự quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, dự thảo của tuyên bố được phát hành tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, chỉ nói lướt qua căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở vùng biển chiến lược quan trọng.
Lãnh đạo các nước trong khu vực chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama
"Một số nhà lãnh đạo vẫn quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông", dự thảo viết. Ngoài ra, nó không đề cập đến phán quyết hồi tháng 7 của tòa án quốc tế, trong đó bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông và vô hiệu hóa yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này ở hầu hết vùng biển.
Các quan chức nói rằng các cuộc đàm phán ngày 7.9 giữa các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ông Lý Khắc Cường của Trung Quốc đã diễn ra suôn sẻ.
Nhưng trong một tuyên bố sau đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lý được trích lời gián tiếp, nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á để "loại bỏ sự can thiệp và xử lý đúng cách vấn đề Biển Đông".
Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường: Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á để xua tan sự can thiệp ở Biển Đông
Ông không nói rõ hơn, tuy nhiên những từ ngữ như vậy thường được các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng, gợi ý rằng Trung Quốc không muốn có sự can thiệp của các nước ngoài khu vực không liên quan trực tiếp trong tranh chấp, giống như Mỹ.
Bên cạnh lãnh đạo các quốc gia ASEAN, lãnh đạo Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh.